Năm 2022, doanh nghiệp sữa lớn nhất Việt Nam Vinamilk (VNM) ghi nhận doanh thu xấp xỉ 60.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 10.500 tỷ đồng; tương ứng cứ mỗi 100 đồng doanh thu – không tính thuế giá trị gia tăng (VAT) – thì Vinamilk thu về 17,5 đồng lợi nhuận.
Trong 82,5 đồng chi phí, chiếm tỷ trọng lớn nhất là chi phí nguyên vật liệu, với 47,1 đồng. Chi phí này bao gồm cả nguyên liệu đường, sữa, bao bì cũng như các vật tư khác.
Khoản mục lớn thứ 2 là các chi phí liên quan đến bán hàng, chiếm gần 21 đồng, trong đó chi phí quảng cáo chiếm 2 đồng, còn lại là các chi phí vận chuyển, khuyến mãi, hỗ trợ bán hàng…
Các chi phí lớn khác có thể kể đến như nhân công, khấu hao, các chi phí liên quan đến quản lý doanh nghiệp…
Trong 17,5 đồng lợi nhuận, Vinamilk phải trích ra 3,2 đồng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Còn lại là 14,3 đồng lãi sau thuế.
Sữa quốc tế (IDP), doanh nghiệp có doanh thu và lợi nhuận bằng 1/10 so với Vinamilk cũng có cơ cấu chi phí tương đồng.
Với 100 đồng doanh thu thì IDP chi 56 đồng cho nguyên liệu và lãi sau thuế 13,3 đồng. Đáng chú ý là chi phí quảng cáo của IDP lên đến 12 đồng – gấp gần 6 lần so với Vinamilk. Bù lại thì các chi phí bán hàng khác của IDP chiếm tỷ lệ thấp.
Một ông lớn hàng tiêu dùng khác là Masan Consumer không công bố cụ thể chi phí nguyên liệu trong cơ cấu chi phí.
Tổng chi phí giá vốn của Masan Consumer, bao gồm cả nguyên liệu, khấu hao, nhân công sản xuất chiếm 58,7 đồng trên mỗi 100 đồng doanh thu.
Tổng chi phí bán hàng và quản lý của Masan Consumer là 19 đồng - tỷ lệ tương đương với Vinamilk. Trong đó chi quảng cáo, khuyến mãi, hỗ trợ bán hàng là 11,2 đồng.
Tỷ suất lợi nhuận của Masan Consumer có phần trội hơn 2 doanh nghiệp ngành sữa khi đạt 23,1 đồng lãi trước thuế và 20,5 đồng lãi sau thuế.
Nhuận Hoa
Nhịp sống thị trường