Mới đây, cuộc cạnh tranh để trở thành cổ đông chiến lược tại Vissan giữa Masan và CJ CheilJedang diễn ra hết sức kịch tính. Kết quả, Masan đã vượt qua CJ trong cuộc đua này để sở hữu 11,33 triệu cổ phần Vissan, tương ứng tỷ lệ sở hữu 14%.
Tuy vậy, để sở hữu lượng cổ phần chưa đủ mức nắm quyền chi phối Vissan, số tiền mà Masan phải bỏ ra là không hề nhỏ, lên tới 1.427 tỷ đồng. So với mức giá đấu bình quân trong phiên IPO thì Masan đã trả giá cao gấp rưỡi cho Vissan và điều này khiến không ít cổ đông của Masan e ngại rằng đây là thương vụ đầu tư mạo hiểm.
Tại ĐHCĐ được tổ chức sáng 1/4, đại diện Masan cho biết mức giá bỏ ra để mua Vissan đúng là khá cao nếu xét trên góc độ giao dịch chứng khoán thông thường.
Tuy vậy, Masan đã đánh giá đây là một bước quan trọng để rút ngắn quá trình phát triển chuỗi giá trị 3F (Feed- Farm- Food). Hiện tại, thị trường thịt của Việt Nam trị giá khoảng 18 tỷ USD và còn rất nhiều tiềm năng. Do đó, quyết định đầu tư này không phải canh bạc mà là cơ hội lớn với Masan.
Bên cạnh đó, Masan cũng đánh giá việc đầu tư vào Vissan không chỉ là hoạt động kinh doanh mà còn là cơ hội chống lại tình trạng thực phẩm bẩn gây nhức nhối xã hội thời gian gần đây. Dự kiến, trong 3-5 năm tới Masan sẽ đủ sức cung ứng thực phẩm sạch cho thành phố.
Được biết, Vissan hiện là một trong những doanh nghiệp dẫn đầu ngành thực phẩm. Doanh thu hàng năm của Vissan đạt hơn 4.000 tỷ đồng với 3 nhóm sản phẩm chính là Thực phẩm tươi sống (thịt heo, bò, gà), Thực phẩm chế biến khô (xúc xích, lạp xưởng, thịt hộp) và Nhóm thực phẩm chế biến mát – đông lạnh (chả giò, nem nướng, jambon, thịt xông khói, giò…).Trong đó, 2 sản phẩm chính đóng góp phần lớn vào doanh thu là thịt lợn và xúc xích.
Hoàng Anh