Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) vừa tổ chức hội đàm về việc tiếp tục thực hiện thỏa thuận tiêu thụ sản phẩm xơ sợi của Nhà máy Xơ sợi (NMXS) Đình Vũ.
Lãnh đạo PVN tham gia hội đàm cùng Vinatex
Thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị, chỉ đạo của Thường trực Chính phủ và Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về việc xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương, PVN đã tích cực đưa ra các phương án khả thi, tìm các giải pháp, hướng tháo gỡ để vận hành trở lại NMXS Đình Vũ.
Tại hội đàm, lãnh đạo PVN và Vinatex đã thẳng thắn trao đổi, rút ra nhiều bài học hữu ích trong công tác triển khai, hợp tác toàn diện khi vận hành sản xuất, tiêu thụ xơ sợi của NMXS Đình Vũ. Trong đó, nổi bật là một số vấn đề như vận hành, sử dụng thử sản phẩm xơ sợi polyester, giám sát, đánh giá chất lượng xơ sợi từ khâu kéo sợi, dệt, nhuộm và trình tự tham gia thị trường, đào tạo đội ngũ kiểm định chất lượng sản phẩm, đội ngũ kinh doanh xơ sợi…
Thay mặt lãnh đạo Vinatex, Tổng Giám đốc Lê Tiến Trường khẳng định với chất lượng đảm bảo, ổn định, tuân thủ theo giá thị trường, đồng thời thực hiện đúng cam kết về thanh toán, giao hàng như thời điểm cuối năm 2014 và năm 2015 thì Vinatex cam kết sẽ tăng dần tiêu thụ xơ polyester của PVTEX trong toàn bộ hệ thống các đơn vị kéo sợi của Vinatex lên 100% thay vì tối thiểu 50% như đã cam kết và thực hiện trước đây.
Hiện nay, sức tiêu thụ xơ polyester của Vinatex vào khoảng 60.000 tấn/năm. Mặt khác, Vinatex và Viện Dệt may Việt Nam sẽ tiếp tục hỗ trợ PVTEX trong việc kiểm soát chất lượng sản phẩm từ nhà máy, đến việc chỉ định đơn vị thử nghiệm kéo sợi đến tận khâu dệt, nhuộm sản phẩm.
Theo thông tin của Vinatex, nhu cầu xơ polyester của các doanh nghiệp Việt Nam luôn tăng trưởng vào khoảng từ 10-15%/năm. Đây là tỷ lệ tăng trưởng ổn định liên tục trong những năm vừa qua. Tùy thuộc tình hình thị trường thế giới về giá bông mà nhu cầu polyester để kéo sợi có thể tăng hoặc giảm nhưng tỷ lệ nhu cầu bông và polyester vào khoảng 60/40.
Như vậy, với nhu cầu nhập khẩu hiện nay vào khoảng 700.000 tấn bông thì nhu cầu về xơ polyester sẽ vào khoảng 400.000 tấn. Trong hai năm 2015- 2016, với sự đầu tư mạnh mẽ của các doanh nghiệp quốc tế vào ngành sợi, cả nước có khoảng 7 triệu cọc sợi, tăng gấp đôi so với năm 2015.
Mặt khác, giá xơ hiện nay dao động khoảng 1,1 - 1,12 USD/kg, cao hơn giá xơ thời điểm năm 2015 hơn 200 USD/tấn. Trong khi đó, giá nguyên liệu sản xuất xơ sợi polyester cũng thấp hơn giá nguyên liệu năm 2015. Đây là những cơ sở quan trọng đối với việc xác định thời điểm vận hành trở lại NMXS Đình Vũ.
Chủ tịch HĐQT Vinatex Trần Quang Nghị nhấn mạnh, việc tiêu thụ sản phẩm xơ sợi của PVTEX không chỉ là vấn đề hợp tác, lợi ích của các đơn vị giữa hai Tập đoàn mà đây còn là vấn đề trách nhiệm. Vinatex luôn khẳng định chủ trương hỗ trợ PVTEX bằng tất cả khả năng để tiêu thụ sản phẩm xơ sợi trong nước ở mức cao nhất có thể.
Thay mặt lãnh đạo PVN, Thành viên Phụ trách HĐTV, Tổng giám đốc PVN Nguyễn Vũ Trường Sơn đã bày tỏ sự cảm ơn đối với những chia sẻ, hỗ trợ, cam kết rất cụ thể của Vinatex trong nhiều năm qua. PVN cũng cam kết sẽ nỗ lực vận hành trở lại NMXS Đình Vũ trong thời gian sớm nhất, giữ vững sự ổn định về nguồn cung xơ sợi polyester cho các doanh nghiệp Việt Nam./.
Theo Lan Lan
VOV