Chính phủ đã có chủ trương trình Quốc hội thành lập một Ủy ban quản lý toàn bộ các doanh nghiệp do nhà nước sở hữu 100% vốn cũng như có phần vốn nhà nước từ 50% trở lên.
Theo các ước tính sơ bộ, nhóm doanh nghiệp này đang nắm giữ lượng tài sản trị giá tới 5 triệu tỷ đồng - lớn hơn cả GDP của Việt Nam và gấp 5 lần vốn hoá của thị trường chứng khoán.
Hiện tại, các doanh nghiệp nhà nước quan trọng nhất chủ yếu là các Tập đoàn, Tổng công ty do một số bộ quản lý như Bộ Công thương, Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp... cũng như các tổng công ty trực thuộc UBND Thành phố HCM, Hà Nội.
Do đặc thù là quản lý lĩnh vực công nghiệp và thương mại - vốn bao trùm hầu hết nền kinh tế nên một khi "uỷ ban 5 triệu tỷ" được thành lập, các doanh nghiệp của Bộ Công thương sẽ chiếm tỷ trọng đáng kể trên tổng khối tài sản mà uỷ ban này quản lý.
Theo dữ liệu của CafeF, hiện Bộ Công thương đang quản lý 15 tập đoàn, tổng công ty - hầu hết trong số này đều là những trụ cột của kinh tế đất nước như PVN, EVN, Sabeco, TKV, Petrolimex…
6 trong số này đã thực hiện cổ phần hóa, gồm Petrolimex, Sabeco, Habeco, Vocarimex, VNSteel và Vinatex cùng một số doanh nghiệp chuẩn bị cổ phần hóa như Tổng Công ty máy và Thiết bị Công nghiệp – MIE, Tổng Công ty máy động lực và máy Nông nghiệp – VEAM hay Tổng Công ty Giấy – Vinapaco. Trong số các doanh nghiệp đã cổ phần hóa thì chỉ có Vocarimex là nhà nước không nắm cổ phần chi phối.
11 tập đoàn/tổng công ty lớn nhất của Bộ Công thương có thể bố trí thành một đội bóng toàn “ngôi sao” cùng 4 đơn vị còn lại “đá dự bị” gồm Vinaincon, Vocarimex, Vinapaco và MIE. Hầu hết những "ngôi sao" trong đội hình này đều nắm giữ và chiếm thị phần chi phối trong rất nhiều lĩnh vực như dầu khí, than, điện lực, xăng dầu, hóa chất, thuốc lá, bia rượu...
"Đội hình ngôi sao" của Bộ Công thương
Đồ họa: Thùy Chi
Nắm giữ những lĩnh vực trọng yếu cũng như đang quản lý nguồn lực khổng lồ nên các doanh nghiệp này đóng vai trò then chốt đối với kinh tế đất nước.
Số liệu của CafeF cho thấy tổng tài sản của đội hình chính thức lên tới 1,7 triệu tỷ đồng (~80 tỷ USD) cùng vốn chủ sở hữu đạt 670.000 tỷ. Một số đơn vị lớn như EVN, PVN, VEAM, TKV hiện mới chỉ có số liệu tính đến cuối năm 2014; nếu cập nhật đầy đủ đến năm 2015, những con số này chắc chắn còn lớn hơn nhiều.
Năm 2014, 11 tập đoàn tổng công ty này có tổng doanh thu hợp nhất đạt hơn 1 triệu tỷ đồng, tương đương 1/4 GDP của cả nước cùng tổng lợi nhuận gần 90 nghìn tỷ. Phần lớn con số này đến từ 3 tập đoàn năng lượng trọng yếu của đất nước là Tập đoàn Dầu khí PetroVietnam (PVN), Tập đoàn điện lực - EVN và Tập đoàn Than Khoáng sản - Vinacomin.
Những cái tên còn lại cũng đang nắm giữ những lĩnh vực quan trọng như Petrolimex, Vinachem, Sabeco, Vinataba... Doanh nghiệp có phần ít được biết đến nhất là VEAM. Mặc dù hoạt động kinh doanh chính không nổi bật nhưng hàng năm VEAM lại được hưởng lợi nhuận rất lớn từ 3 liên doanh hàng đầu trong lĩnh vực ô tô xe máy là Honda Việt Nam, Ford VIệt Nam và Toyota Việt Nam.
Kiến Khang