Viettel, công ty viễn thông lớn nhất Việt Nam, đang để mắt tới các startup toàn cầu và có thể sẽ thành lập một quỹ đầu tư mạo hiểm nhằm hỗ trợ các startup của nước ngoài. Ông Lê Đăng Dũng, Phó Tổng Giám đốc Viettel đã nhận ra rằng việc đầu tư vào các startup là một điều chắc chắn bởi khi công việc kinh doanh phát triển, công ty sẽ phải đa dạng hóa lĩnh vực.
Trả lời trang Dealstreetasia, ông Dũng cho biết: “Nhiều startup đang sử dụng cơ sở hạ tầng mạng để phát triển các sản phẩm, thế nên đây chính là nền tảng của sự hợp tác. Chúng tôi cũng có thể mua lại một số startup nếu những người sáng lập muốn từ bỏ”. Bộ phận đầu tư toàn cầu của Viettel đã đề xuất khởi động một quỹ đầu tư để rót vốn cho các startup ở nước ngoài. Hầu hết các công ty viễn thông lớn ở nước ngoài đều có các quỹ đầu tư mạo hiểm riêng và Viettel cũng muốn đi theo con đường đó bởi mục tiêu của công ty này là lọt vào Top 20 công ty viễn thông hàng đầu thế giới.
Tại châu Á, công ty viễn thông Singtel Group của Singapore đã thành lập một đơn vị chuyên đầu tư cho các startup có tên gọi Singtel Innov8 với số vốn ban đầu khoảng 200 triệu USD. Nguồn quỹ này tập trung vào các lĩnh vực hỗ trợ sự tăng trưởng của công ty mẹ, bao gồm công nghệ và các giải pháp đem đến sự thay đổi trong hiệu năng mạng, các thiết bị thế hệ tiếp theo, các dịch vụ nội dung số và nâng cao trải nghiệm của người dùng.
Khi nói về sự thành lập của quỹ đầu tư mạo hiểm này, Singtel cho hay: “Innov8 là một phần trong chuyến hành trình của Singtel Group nhằm chuyển đổi từ một nhà cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống trở thành một nhà cung cấp giải pháp truyền thông đa phương và ICT hàng đầu”. Điều này cũng giống như những gì Viettel đang làm. Ông Dũng chia sẻ: “Sự mở rộng vào các ngành khác là một xu hướng không thể tránh khỏi. Một khi mạng viễn thông đã phát triển đến một giai đoạn nào đó, nếu các nhà mạng không cung cấp các dịch vụ và nội dung phát triển khác, nhà mạng đó không thể phát tăng trưởng hơn được nữa”.
Ông Lê Đăng Dũng, Phó Tổng Giám đốc Viettel
Sự phát triển mạnh mẽ của các startup trong khu vực sẽ là động lực cho Viettel tạo nên những sản phẩm ICT mới dựa trên hạ tầng mạng, ví dụ như công cụ tìm kiếm, mạng xã hội, dịch vụ thương mại điện tử hoặc chăm sóc sức khỏe điện tử. Viettel đang hướng đến việc tạo nên một nền tảng để mọi người có thể tương tác và cung cấp những sản phẩm cũng như dịch vụ cho nhau, tại đó các công ty đều tham gia với tư cách nhà tổ chức của một kho hoặc chợ ứng dụng, vị Phó Tổng Giám đốc tiết lộ. Những quỹ đầu tư mạo hiểm được các công ty viễn thông “chống lưng” đã trở thành xu hướng điển hình trong các công ty công nghệ. Ví dụ như quỹ Intel Capital của Tập đoàn Intel đã đầu tư 1,28 tỷ USD cho mảng phương tiện và tới nay đã cấp vốn cho 693 công ty, theo số liệu của Crunchbase.
Một số những cái tên khác có thể nhắc đến như Cisco Investments, Qualcomm Ventures và IBM Venture Capital. Qualcomm Ventures và IBM Venture Capital được các startup Việt Nam biết đến trong một buổi hội nghị phát triển Việt-Mỹ tổ chức vào tháng 3 vừa rồi. Tại Việt Nam, Tập đoàn Công nghệ và Viễn thông FPT cũng đã giới thiệu công ty con FPT Ventures vào năm ngoái. Một số ví dụ khác về các quỹ đầu tư mạo hiểm do các công ty viễn thông đứng sau bao gồm Telkom của Indonesia với Metra Digital Innovation Ventures. Quỹ này dành 25 triệu USD để đầu tư vào 10 startup trong năm nay. Ngoài ra, còn có Telenor Myanmar với những chương trình phát triển riêng. Trên thế giới thì có Nhóm viễn thông Bắc Âu với Televenture Capital AS, đang quản lý 7 quỹ đầu tư.
Trong khi đó, các nhà mạng có thể hợp tác với các công ty công nghệ thay vì thành lập quỹ riêng của mình. Ooredoo của Qatar (trước kia có tên là QTel) là một ví dụ. Năm 2014, công ty này đã hợp tác với công ty Rocket Internet của Đức để thành lập quỹ đầu tư Asia Internet Holding chuyên rót vốn vào lĩnh vực thương mại điện tử. Quỹ Africa Internet Holding của Rock cũng được các công ty viễn thông đỡ đầu.
Khi được hỏi về những cơ hội tương lai trong mảng startup công nghệ, vị Phó Tổng của Viettel vẫn rất lạc quan về các xu hướng viễn thông. Tại các quốc gia đang phát triển với GDP đầu người thấp (dưới 1.000 USD), một cơ hội lớn sẽ xuất hiện khi internet nhanh chóng được phổ cập tới toàn bộ người dân bởi giá smartphone ngày càng rẻ và giá internet băng thông rộng di động ngày càng cạnh tranh hơn. Tại các quốc gia đang phát triển với GDP đầu người trung bình (1.000 – 5.000 USD), ICT đang nhanh chóng được ứng dụng vào tất cả mọi lĩnh vực của cuộc sống, trong khi đó tại các quốc gia với GPD đầu người cao, xu hướng internet kết nối mọi vật (IoT) đang bắt đầu. Ngoài ra, việc phát triển công nghệ 4G tại các thị trường mới nổi như Việt Nam là điều vô cùng quan trọng nhưng mới chỉ ở giai đoạn đầu.
“Đây là cơ sở hạ tầng cho sự phát triển của IoT bởi nó có khả năng ứng dụng cao vào nhiều lĩnh vực quan trọng, bao gồm chăm sóc sức khỏe, giáo dục, Chính phủ điện tử…”, ông Dũng nhận định. Các thị trường nước ngoài mà Viettel đang hoạt động như Campuchia, Lào, Tanzania và Burundi đã có công nghệ này thậm chí trước cả Việt Nam. Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi coi công nghệ 4G là yếu tố then chốt cho những giai đoạn phát triển tiếp theo tại thị trường nước ngoài”.
Theo Lê Nga
ICTnews