Kết thúc phiên giao dịch ngày 29/4, cổ phiếu VGI của Tổng công ty Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global) có mức giá 67.600 đồng/cp. Đây cũng là mức giá cao nhất mà cổ phiếu này đạt được kể từ khi giao dịch trên UPCoM. Thị giá của VGI đã tăng 162% kể từ đầu năm cho tới nay, khối lượng khớp lệnh ở mức từ 1 triệu đến 2 triệu đơn vị mỗi phiên.
Với mức giá hiện tại, vốn hóa thị trường của Viettel Global đã đạt mức 205.761 tỷ đồng (khoảng 8,1 tỷ USD), tăng đến 127.200 tỷ đồng (khoảng 5 tỷ USD) so với mức đầu năm. Việc vốn hóa vượt mốc 200.000 tỷ đồng đã giúp đơn vị thành viên của Viettel vươn lên vị trí thứ 3 trong những công ty giá trị nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam, chỉ còn kém BIDV, Vietcombank, vượt những bluechip trên sàn như ACV, Vinhomes, VietinBank, Vingroup, PV Gas...
Viettel Global hiện là một trong những nhà đầu tư ra nước ngoài lớn nhất của Việt Nam. Doanh nghiệp này đang hoạt động tại 9 quốc gia trên khắp châu Á, châu Phi và châu Mĩ với tổng dân số hơn 200 triệu người. Trong đó, công ty đứng top 1 thị phần tại 6 thị trường chính Myanmar, Campuchia, Lào, Đông Timor, Burundi… Đây đều là các nước đang phát triển và còn nhiều dư địa để mở rộng, tăng trưởng kinh doanh. Hiện tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel đang là cổ đông lớn nhất của công ty này khi nắm giữ 99% vốn.
Sự 'bứt phá' của cổ phiếu VGI trong giai đoạn đầu năm được đóng góp lớn từ việc kết quả kinh doanh tích cực của Viettel Global. Cụ thể, trong quý 1/2024, doanh nghiệp này doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Viettel Global đạt 7.907 tỷ đồng, tăng 22%. Đây là mức tăng trưởng ấn tượng của một doanh nghiệp viễn thông trong bối cảnh thế giới gần như bão hoà về dịch vụ này.
Cả 9 thị trường tăng trưởng cao trong đó có 5 thị trường tăng trưởng 2 con số như Lumitel tại Burundi (29%), Unitel tại Lào (24%), Movitel tại Mozambique (22%), Natcom tại Haiti (18%), Metfone tại Campuchia (13%). Doanh thu tăng trưởng tích cực, lợi nhuận sau thuế hợp nhất quý 1/2024 của Viettel Global đạt 1.633 tỷ đồng, tăng 175% so với cùng kỳ năm 2023.
Trước đó công ty cũng đã có lãi 2 năm liên tiếp. Viettel Global gặp nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh do bị tác động nhiều bởi ngoại cảnh như biến động tỷ giá hay nhiều nước bất ổn chính trị.
Theo Báo cáo thường niên năm 2023 được doanh nghiệp công bố ngày 19/4, trong năm 2024, Viettel Global đặt mục tiêu duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức hai con số, trong đó tăng trưởng viễn thông truyền thống trên 10%, dịch vụ ngoài viễn thông tăng trưởng từ 20-30%. Để mở rộng nguồn tăng trưởng, các thị trường châu Á tập trung phát triển hạ tầng Công nghệ thông tin, Data center, Cloud, Big data.
Các thị trường Châu Phi và châu Mỹ tập trung phát triển các dịch vụ số mới dựa trên nền tảng 4G và dịch vụ internet băng thông rộng, chuẩn bị sẵn sàng cho 5G để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dùng.
Trọng Hiếu