Mùa báo cáo tài chính năm 2020 đã dần khép lại, có nhiều tiêu chí để nhà đầu tư cùng xem xét, đánh giá doanh nghiệp qua một năm hoạt động. Bên cạnh đó, việc xem "tên tuổi" của những doanh nghiệp được ghi danh vào câu lạc bộ lãi nghìn tỷ hàng năm cũng là điều thú vị.
Năm 2020 có trên năm chục doanh nghiệp báo lãi sau thuế trên nghìn tỷ đồng, trong đó lực lượng hùng hậu nhất là nhóm ngành ngân hàng với 16 cái tên – nhiều hơn hẳn so với 13 doanh nghiệp lọt vào câu lạc bộ danh giá này năm 2019. Ngoài ra là hàng loạt cái tên đến từ "họ" Vingroup, "họ" Viettel, Vinamilk...
Danh sách các doanh nghiệp ghi danh câu lạc bộ lãi nghìn tỷ năm 2019
Năm 2019 có hơn năm chục doanh nghiệp báo lãi sau thuế đạt nghìn tỷ đồng. Đứng đầu vẫn là Vinhomes, thứ 2 là Vietcombank và thứ 3 là PVGas.
Xem thêm Có hơn 50 doanh nghiệp lãi nghìn tỷ năm 2019
TOP 3 doanh nghiệp đứng đầu năm 2020
Năm 2020, Vinhomes (VHM) vẫn tiếp tục là doanh nghiệp dẫn đầu danh sách câu lạc bộ lãi nghìn tỷ với 27.839 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng trưởng trên 18% so với lợi nhuận sau thuế đạt được năm 2019. Trong đó riêng quý 4/2020 công ty báo lãi sau thuế 11.560 tỷ đồng, mức lãi kỷ lục từng đạt được trong một quý.
Nguyên nhân chính khiến Vinhomes đạt được lãi lớn quý 4 do doanh thu tăng mạnh 54% so với cùng kỳ, đạt 21.512 tỷ đồng – nâng tổng doanh thu cả năm lên 70.890 tỷ đồng. Doanh thu quý 4 chủ yếu đến từ bán giao các sản phẩm tại các dự án Vinhomes Ocean Park, Vinhomes Grand Park, Vinhomes Smart City và Vinhomes Symphony.
Đứng thứ 2 tiếp tục là Vietcombank (VCB) với số lãi sau thuế 18.468 tỷ đồng – giảm nhẹ so với số lãi 18.526 tỷ đồng đạt được năm 2019.
Trên thực tế, từ trước khi Vinhomes lên sàn, vị trí quán quân về lợi nhuận của các doanh nghiệp trên sàn thường xuyên thuộc về Vietcombank. Tuy nhiên, từ khi lên sàn, Vinhomes đã chiếm luôn vị trí này và chưa năm nào "trả lại" cho Vietcombank.
Vị trí thứ 3 đã đổi chủ. Năm 2019 PV Gas (GAS) chiếm vị trí 3 với 12.159 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, đây cũng là năm PVGas giữ vững vị trí được ghi nhận từ năm 2018. Tuy nhiên năm 2020 PVGas đã mất đi vị trí thứ 3 vào tay Vietinbank (CTG) – và thậm chí bị đẩy xuống vị trí thứ 9.
Lợi nhuận sau thuế năm 2020 của PVGas giảm 34% so với năm trước đó, còn hơn 7.800 tỷ đồng. Nguyên nhân cũng bởi Gas trải qua năm 2020 khó khăn chồng chất do giá dầu giảm sâu.
Không chỉ vị trí thứ 3, mà vị trí thứ 4 của Vinamilk (VNM) cũng đã bị Tập đoàn Hòa Phát (HPG) thế chỗ với 13.506 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng trưởng 78% so với năm 2019. Trước đó năm 2019 HPG xếp thứ 12 trên bảng xếp hạng – năm nay đã thăng 8 cấp.
Vinamilk từ vị trí thứ 4 năm 2019 bị đẩy xuống vị trí thứ 6 của năm 2020 với 11.236 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 6,5% so với năm 2019. Vị trí thứ 5 thuộc về Techcombank (TCB) với 12.582 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 23% so với năm trước đó.
Nhóm ngành ngân hàng đóng góp 16 cái tên
Nếu xét theo nhóm ngành, ngân hàng là nhóm ngành đóng góp nhiều cái tên nhất vào câu lạc bộ lãi nghìn tỷ với 16 cái tên – tăng thêm 4 cái tên so với quân số góp mặt năm 2019. Trong đó ngoài Vietcombank được xếp thứ 2, Vietinbank xếp thứ 3, còn lại nhiều ngân hàng lãi lớn khác năm trong TOP 10 như Teckcombank (TCB) xếp vị trí thứ, VPB xếp vị trí thứ 7 với 10.414 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, MBB xếp thứ 8 với hơn 8.600 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế và ACB xếp thứ 10 với 7.683 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Có đến 4 ngân hàng báo lãi trên 10.000 tỷ đồng và VPBank (VCB), Techcombank (TCB), Vietinbank và Vietcombank. Những ngân hàng lãi trên 6.000 tỷ đồng có thêm MBBank (MBB) với hơn 8.600 tỷ đồng, có ACB với gần 7.700 tỷ đồng, có BIDV (BID) với gần 7.400 tỷ đồng.
Nhóm ngân hàng lãi sau thuế từ 3.000 đến 5.000 tỷ đồng có HDBank (HDB) với gần 4.650 tỷ đồng, có VIB với 4.642 tỷ đồng, có OCB với 3.535 tỷ đồng và TPB với 3.510 tỷ đồng.
Số còn lại là các ngân hàng lãi từ 1.000 đến 3.000 tỷ đồng, gồm SHB với 2.727 tỷ đồng, có STB với 2.682 tỷ đồng, có MSB với 2.011 tỷ đồng, có LPB với 1.862 tỷ đồng và thấp nhất là ABB với 1.119 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
"Họ" nhà Vingroup (VIC), FPT và Masan đều đóng góp thành viên
Những cái tên quen thuộc ‘họ" nhà Vingroup, Masan, Viettel... vẫn đóng góp nhiều thành viên. Nhà Vingroup ngoài Vinhomes đứng đầu danh sách còn có Vingroup (VIC) với 4.388 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế giảm 43% so với năm 2019. Có thêm Vincom Retail (VRE) với 2.382 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 16,5% so với năm trước đó.
Nhà Masan (MSN) có Masan Consumer (MCH) với hơn 4.600 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 14% so với năm 2019 và đứng vị trí thứ 17 trên bảng xếp hạng. Còn Tập đoàn Masan (MSN) lãi sau thuế gần 1.400 tỷ đồng, giảm 78% so với năm 2019.
Nhà FPT, Tập đoàn FPT báo lãi sau thuế 4.422 tỷ đồng năm 2020, tăng 13% so với năm 2019 và xếp vị trí thứ 18 trên bảng xếp hạng. Ngoài ra còn có FPT Telecom (FOX) với 1.664 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 13,7% so với năm trước đó.
Nhiều doanh nghiệp đến từ nhóm ngành bất động sản khu công nghiệp
Nhóm ngành bất động sản khu công nghiệp tiếp tục đóng góp nhiều cái tên như Becamex (BCM) với 2.149 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 13,6% so với năm 2019. Ông lớn Sonadesozi (SNZ) cũng tiếp tục giữ vừng tên trong câu lạc bộ danh giá này với 1.264 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế năm 2020, tăng 7,8% so với năm 2019.
Thành viên mới trong nhóm ngành bất động sản khu công nghiệp góp mặt trong câu lạc bộ năm nay là CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG (SIP) với 1.126 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 74% so với năm 2019.
Đáng chú ý, Đầu tư Sài Gòn VRG là thành viên của Tập đoàn Cao su Việt Nam, nhưng lại được biết đến là doanh nghiệp chuyên đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp, bất động sản, khu dân cư...
Năm 2020 SIP riêng phần doanh thu bán điện, nước đạt 3.929 tỷ đồng trong tổng số 5.080 tỷ đồng doanh thu cả năm. Lãi sau thuế đạt 1.126 tỷ đồng – mức lãi kỷ lục của công ty và vượt xa kế hoạch năm.
SIP cũng thường xuyên được nhắc tới tên trong cả năm qua nhờ diễn biến tăng mạnh của cổ phiếu này. Hiện SIP đang là một trong những cổ phiếu có thị giá cao nhất thị trường chứng khoán Việt Nam. Đóng cửa phiên giao dịch trước khi nghỉ Tết ở mức 204.800 đồng/cổ phiếu.
Nhóm ngành cao su có 2 thành viên góp mặt, trong đó Tập đoàn cao su Việt Nam (GVR) vẫn giữ vững với 5.230 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng hơn 36% so với năm 2019. Còn Cao su Phước Hòa (PHR) là cái tên mới với 1.124 tỷ đồng lợi nhuận năm 2020, tăng130% so với năm 2019.
Nhóm ngành hàng không chỉ còn lại duy nhất Cảng hàng không Việt Nam (ACV) với 1.712 tỷ đồng lợi nhuận năm 2020, giảm 79% so với năm trước đó. Loạt cái tên "năm cũ" như Vietnam Airlines, Vietjet đều lỡ nhịp do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19 lên ngành này.
Nhóm ngành bảo hiểm đóng góp duy nhất 1 cái tên là Bảo Việt (BVH). Trong khi dó nhóm ngành chứng khoán, ngoài TCBS duy trì tên trong danh sách từ năm ngoái đến năm nay. Ngoài ra năm nay còn có thêm Chứng khoán SSI với 1.256 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 38% so với năm 2019.
Nhóm ngành nhiệt điện năm nay vẫn là 2 cái tên cũ: Nhiệt điện Hải Phòng (HND) và Nhiệt điện Phả Lại (PPC).
Đặc biệt năm nay còn có ThaiHoldings (THD) - doanh nghiệp cũng được nhắc đến nhiều trong năm vừa qua khi tạo nên các "cú sốc" về giá cổ phiếu sau khi lên sàn, về tốc đô tăng vốn "chóng mặt"...
Những thành viên mới
Câu lạc bộ lãi nghìn tỷ năm 2020 ghi nhận những thành viên mới – là những doanh nghiệp lần đầu được ghi tên mình vào câu lạc bộ danh giá này. Những doanh nghiệp mới này sẽ không kể đến những doanh nghiệp đã từng ở trong câu lạc bộ những năm trước, nhưng tạm gián đoạn nay mới trở lại.
Đầu tiên là cái tên Chứng khoán SSI, Đầu tư Sài Gòn VRG (SIP), Cao su Phước Hòa (PHR), ThaiHoldings (THD), Phát Đạt (PDR), Dabaco (DBC).
Những cái tên "lỡ nhịp"
Một điểm đáng chú ý, nhóm ngành bất động sản khu công nghiệp đón thêm cái tên mới SIP, nhưng lại "chia tay" Kinh Bắc City (KBC). Năm 2019 Kinh Bắc City đạt 1.041 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, nhưng năm 2020 kinh doanh sụt giảm. Doanh thu năm 2020 đạt 2.154 tỷ đồng, giảm đến 33% so với năm 2019. Còn lợi nhuận sau thuế năm 2020 còn chưa đến 300 tỷ đồng, giảm 71% so với cùng kỳ.
Ngoài ra, những cái tên bị out khỏi câu lạc bộ năm nay còn có Đất Xanh (DXG), Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi (DNH).
Những cái tên để lại nhiều tiếc nuối
Ngoài những cái lên "lỡ nhịp" năm nay, còn có những cái tên để lại nhiều tiếc nuối. Ví dụ như Viettel Global (VGI) đã lãi sau thuế hơn 1.600 tỷ đồng, nhưng lại lỗ nặng quý 4 với hơn 1.300 tỷ đồng, dẫn tới việc doanh nghiệp này đã ghi danh vào câu lạc bộ lãi nghìn tỷ từ quý trước, bống dưng bị out ra ngay quý cuối năm.
Hay như Gelex (GEX) nếu tính chỉ tiêu lãi trước thuế thì đã đủ với 1.187 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ còn 966 tỷ đồng - ngấp nghé đặt chân vào cửa câu lạc bộ. Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), FLC dù lãi lớn quý 4 nhưng vẫn không thể bù lại số lỗ lớn các quý đầu năm.
Thạch Lâm