Báo cáo của Chính phủ về tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2014 của các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp của Nhà nước, cho thấy có hai đơn vị bị lỗ trong quá trình hoạt động thoái vốn khỏi 5 lĩnh vực nhạy cảm.
Cụ thể, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tại NHTM cổ phần Đại dương (OceanBank) và Tổng công ty Lương thực miền Nam tại NHTM cổ phần Xây dựng Việt Nam (VNCB) là dưới giá trị sổ sách. Nguyên do là 2 ngân hàng này đã bị NHNN mua với giá 0 đồng do hoạt động thua lỗ, bị âm vốn nhưng không có phương án tăng vốn điều lệ theo yêu cầu của cơ quan quản lý.
Theo đó, ngày 2/2, NHNN đã tuyên bố mua 0 đồng với VNCB do bị âm vốn và các cổ đông không bù đặp được trước khi bị cơ quan này mua lại 100% vốn. Việc mua 0 đồng VNCB đã chấm dứt toàn bộ quyền lợi và tư cách cổ đông của 6 cổ đông pháp nhân và 545 cổ đông thể nhân tại ngân hàng này.
Tiếp theo, ngày 25/4, NHNN đã phát đi thông tin mua lại toàn bộ cổ phần của OceanBank. Tính đến thời điểm mua lại, PVN đang sở hữu 20% cổ phần của OceanBank, tương đương 800 tỷ đồng.
Theo báo cáo, tính đến hết năm 2014, tình hình thực hiện thoái vốn đầu tư vào 05 lĩnh vực (chứng khoán, quỹ đầu tư, bảo hiểm, tài chính – ngân hàng, bất động sản) của các Công ty mẹ - tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đạt 4.258 tỷ đồng. Trong đó, giá trị thoái là 4.184 tỷ đồng, giá trị thu được 4.292 tỷ đồng.
Một số Công ty mẹ có giá trị thoái vốn đầu tư trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng (tính theo giá trị sổ sách) tương đối lớn trong năm 2014 như: EVN thoái 588 tỷ đồng; Tập đoàn than khoáng sản thoái 381 tỷ đồng; Tập đoàn cao su Việt Nam thoái 381 tỷ đồng; PVN thoái 780 tỷ đồng; Vinalines thoái 315 tỷ đồng; Tổng công ty lắp mày Việt Nam (Lilama) thoái 263 tỷ đồng.
Giá trị đầu tư tăng thêm vào 5 lĩnh vực (chứng khoán, quỹ đầu tư, bảo hiểm, tài chính - ngân hàng, bất động sản) là 1.401 tỷ đồng. Giá trị đầu tư tăng thêm không phải bỏ tiền mua để đầu tư thêm mà do doanh nghiệp được nhận thêm cổ phiếu từ việc chia cổ tức, tăng vốn điều lệ từ nguồn vốn chủ sở hữu công ty cổ phần có vốn đầu tư của Công ty mẹ - doanh nghiệp nhà nước.
Như vậy, tổng số vốn đầu tư vào 5 lĩnh vực nhạy cảm còn phải thoái theo Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước đã được phê duyệt tính đến 31/12/2014 là 22.363 tỷ đồng.
Lũy kế đến tháng 10/2015, các đơn vị đã thoái được 4.460 tỷ đồng, thu được 4.113 tỷ đồng. Cụ thể, lĩnh vực chứng khoán là 41 tỷ đồng, lĩnh vực tài chính - ngân hàng là 1.213 tỷ đồng, lĩnh vực bảo hiểm là 105 tỷ đồng, lĩnh vực bất động sản là 2.930 tỷ đồng, quỹ đầu tư là 171 tỷ đồng.
Giá trị đầu tư tăng thêm vào lĩnh vực bất động sản là 21 tỷ đồng. Đây là khoản đầu tư của Tổng công ty xuất nhập khẩu Thanh Lễ góp vốn theo tiến độ dự án và đang thực hiện thủ tục thoái vốn đối với khoản đầu tư này.
Như vậy, tính từ thời điểm Quốc hội ban hành Nghị quyết số 21/2011/QH13 ngày 26/11/2011, tổng giá trị đầu tư vào 05 lĩnh vực nhạy cảm (chứng khoán, quỹ đầu tư, bảo hiểm, tài chính - ngân hàng, bất động sản) mà các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước cần phải thoái là 23.325 tỷ đồng.
Lũy kế số thoái vốn vào 05 lĩnh vực nhạy cảm từ năm 2012 đến tháng 10/2015: thoái được 9.866 tỷ đồng (bằng 42% số cần phải thoái cuối năm 2011), thu được 9.496 tỷ đồng, đầu tư thêm 4.538 tỷ đồng (do chia cổ tức bằng cổ phiếu).
Số vốn đầu tư vào 05 lĩnh vực nhạy cảm cần phải thoái tiếp từ nay đến cuối năm 2015 là 16.193 tỷ đồng (do một số đơn vị điều chỉnh lại Đề án tái cơ cấu nên số phải thoái giảm 1.731 tỷ đồng).
Trong đó, lĩnh vực chứng khoán là 233 tỷ đồng, lĩnh vực tài chính - ngân hàng là 9.113 tỷ đồng, lĩnh vực bảo hiểm là 553 tỷ đồng, lĩnh vực bất động sản là 6.079 tỷ đồng, quỹ đầu tư là 215 tỷ đồng.
Theo TRẦN GIANG
BizLIVE