Giá xuất khẩu gạo trung bình liên tục tăng từ đầu năm, tính riêng tháng 6, giá xuất khẩu gạo bình quân của Việt Nam đạt gần 552 USD/tấn, tăng xấp xỉ 9% so với hồi đầu năm và cũng là mức giá xuất khẩu bình quân cao nhất trong lịch sử.
Tuy nhiên diễn biến giá thuận lợi này vẫn chưa được phản ánh trong kết quả kinh doanh quý 2 và 6 tháng đầu năm 2023 của các doanh nghiệp gạo.
Điểm sáng nổi bật nhất của ngành thuộc về Lộc Trời (LTG), ông lớn ngành gạo ghi nhận doanh thu thuần quý 2 đạt 3.678 tỷ đồng tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhờ khoản lãi trong công ty liên doanh, liên hết gần 327 tỷ đồng giúp LTG lãi sau thuế gần 425 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ hơn 44 tỷ đồng - Đây cũng là mức lãi kỷ lục theo quý trong lịch sử niêm yết của doanh nghiệp này.
Dẫn đầu về doanh thu thuộc về Lương thực miền Nam (VSF), quý 2 doanh nghiệp này thu về 6.867 tỷ đồng tăng 57% so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận thu về lại chưa đến 10 tỷ đồng. Dù sao thì con số lãi này vẫn cao gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái và đóng góp chính vào kết quả lãi 6 tháng đầu năm nay của VSF. Công ty cho biết kết quả kinh doanh tốt đến từ việc công ty đã theo dõi sát tình hình diễn biến thị trường, kịp thời nắm bắt cơ hội.
Mức tăng trưởng về doanh thu ấn tượng nhất trong quý 2 thuộc về Trung An (TAR) với 1.615 tỷ đồng cao gấp 2 lần so với cùng kỳ. Tuy nhiên gánh nặng chi phí đã khiến TAR chịu lỗ sau thuế gần 8 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi 23,6 tỷ đồng.
Xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm An Giang (AFX) mặc dù lãi quý 2 chỉ đạt hơn 5 tỷ đồng – giảm 70% so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên nguyên nhân lợi nhuận giảm là do cùng kỳ năm trước AFX có cơ cấu tài sản làm lợi nhuận khác tăng cao. Trong kỳ AFX đã tiến hành tái cấu trúc lại các hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời phát triển mở rộng thị trường, điều chỉnh giá bán theo hướng tập trung vào mảng kinh doanh cốt lõi, nhờ đó doanh thu trong kỳ tăng 44%, lãi gộp từ mảng kinh doanh chính tăng 167%.
Đáng chú là kết quả kinh doanh quý 2 của Angimex (AGM), với doanh thu sụt giảm tới 88% so với cùng kỳ, chỉ đạt 162 tỷ đồng. Gánh nặng chi phí khiến AGM chịu lỗ 33,6 tỷ đồng cao gấp đôi so với mức lỗ cùng kỳ năm ngoái – Đây cũng đã là quý thứ 4 liên tiếp AGM kinh doanh thua lỗ.
Bức tranh nửa đầu năm của các doanh nghiệp gạo chưa sáng sủa
Điểm sáng vẫn thuộc về Lộc Trời khi kết thúc 6 tháng đầu năm LTG có lãi đạt 343 tỷ đồng tăng 146% so với cùng kỳ. Năm 2023 LTG đặt mục tiêu lãi 400 tỷ đồng theo đó kết thúc 6 tháng đầu năm LTG đã hoàn thành được tới 86% chỉ tiêu lãi.
Trong khi đó việc Trung An chỉ ghi nhận lợi nhuận sau thuế vỏn vẹn 606 triệu đồng trong nửa đầu năm giảm tới 99% so với cùng kỳ năm ngoái. So với kế hoạch lãi 50 tỷ đồng thì TAR mới chỉ thực hiện được chưa đến 2% kế hoạch năm.
Trước đó, tại ĐHCĐ thường biên 2023, lãnh đạo TAR cho biết trong quá trình thực hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh, Công ty nhận thấy thực trạng giá lúa gạo tăng nhưng giá lúa của nông dân bán ra cũng tăng mạnh theo, khiến chi phí sản xuất, giá thành tăng cao. Lãi suất ngân hàng từ năm ngoái đến nay cũng rất cao.
Angimex báo lỗ bán niên 67 tỷ đồng - cao hơn rất nhiều so với con số lỗ 6,2 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái. Kết quả này khiến cho mục tiêu có lãi 12 tỷ đồng trong năm nay của AGM trở lên khó khăn. Tình hình kinh doanh của Angimex bắt đầu khó khăn từ năm 2022 khi doanh thu giảm sút so với năm 2021.
Chờ triển vọng 6 tháng cuối năm
Trong báo cáo cập nhật mới đây, Chứng khoán Tiên Phong (TPS) đánh giá ngành gạo Việt Nam đang đứng trước nhiều thuận lợi như: nguồn cung lương thực thế giới đang thiếu hụt, diện tích trồng lúa gạo tại nhiều quốc gia bị thiệt hại và hạn hán do sự xuất hiện của El Nino đẩy giá gạo lên cao. Giá xuất khẩu gạo tiếp tục tăng trong nửa cuối năm 2023 được kỳ vọng là thông tin tích cực đối với các doanh nghiệp ngành gạo.
Trung An (TAR) mặc dù có kết quả kinh doanh không khả quan trong nửa đầu năm nhưng ban lãnh đạo khẳng định cơ hội phát triển trong năm 2023 của Công ty sẽ rất lớn do giữ vững được các đơn hàng, đảm bảo được hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trung An vừa cho biết sẽ xuất khẩu hơn 16.600 tấn gạo thơm sang Hàn Quốc với giá lên tới 674 USD/tấn trong tháng 7 này. Công ty cũng đang chuyển dần từ bán lẻ sang bán buôn xuất khẩu, đưa sản phẩm lên kệ các siêu thị tại những nước phát triển.
Tập đoàn PAN đánh giá 6 tháng cuối năm là mùa vụ kinh doanh cao điểm của tất cả các mảng kinh doanh của Công ty, với những yếu tố tích cực hỗ trợ. Kết quả kinh doanh mảng gạo đã đột biến trong 6 tháng đầu năm với tăng trưởng 15% về doanh thu, nhưng tăng đến 50% về lợi nhuận gộp. Đây sẽ tiếp tục là một trong những động lực tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm của Tập đoàn.
Trần Dũng
Nhịp sống thị trường