Mekong Capital là một trong những công ty quản lý quỹ thành công nhất trong lĩnh vực Private Equity tại Việt Nam. Những khoản đầu tư thành công điển hình từ các Quỹ do Mekong quản lý có thể kể đến như Thegioididong, Masan Group hay Golden Gate…
Lãnh đạo Mekong Capital hiện là ông Chris Freund với hơn 18 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư tại Việt Nam. Với kinh nghiệm của mình, ông đã chia sẻ về môi trường kinh doanh cũng như những dự định sắp tới của Mekong Capital tại thị trường Việt Nam.
Là một trong những công ty quản lý quỹ thành công nhất trong lĩnh vực đầu tư Private Equity tại Việt Nam, vì sao Mekong Capital chỉ tập trung đầu tư vào các doanh nghiệp liên quan tới lĩnh vực hàng tiêu dùng/bán lẻ?
Trong số 26 khoản đầu tư kể từ năm 2002, lĩnh vực thành công nhất mà Mekong Capital đạt được đó là ngành hàng tiêu dùng, chẳng hạn như ICP, Masan, Thế Giới Di Động, Công ty Cổng Vàng, Traphaco và PNJ. Bởi vậy, chúng tôi chọn tập trung phát triển chuyên môn sâu trong lĩnh vực hàng tiêu dùng để có thể đánh giá các cơ hội một cách hiệu quả nhất và gia tăng giá trị cho các doanh nghiệp mà chúng tôi đầu tư một cách tối ưu.
Đâu là yếu tố then chốt khi Mekong Capital quyết định đầu tư vào một doanh nghiệp?
Điều quan trọng nhất khi Mekong Capital cân nhắc đầu tư chính là đội ngũ quản trị và văn hóa doanh nghiệp.
Chúng tôi cần xác định xem doanh nghiệp sẽ phát triển đội ngũ quản trị như thế nào sau khi chúng tôi đầu tư. Đa phần các công ty đều nói rằng họ sẽ làm điều đó, nhưng thực tế đều chưa đạt được hiệu quả trong việc xây dựng đội ngũ quản trị. Một trong những lý do mà những khoản đầu tư của chúng tôi thành công chính là bởi các doanh nghiệp đó đã xây dựng được đội ngũ quản trị tuyệt vời.
Tại một số khoản đầu tư như Masan Food, Golden Gate Group hay Digiworld, kết quả kinh doanh của các công ty này thường bứt phá mạnh sau khi Mekong Capital thoái vốn. Dường như Mekong Capital đã thoái vốn quá sớm?
Mekong Capital đầu tư vào các công ty được quản lý tốt và vì vậy họ thường vẫn phát triển tốt sau khi chúng tôi thoái vốn. Không chỉ những công ty kể trên mà còn cả ICP, AA Corp… đã tiếp tục tăng trưởng rất ấn tượng sau khi chúng tôi thoái vốn. Điều này rất tốt cho chúng tôi bởi nó sẽ giúp quá trình thoái vốn trong tương lai dễ dàng hơn khi các nhà đầu tư nhìn thấy sức hấp dẫn mang lại từ những khoản mà Mekong Capital đã từng thực hiện.
Tuy nhiên, tôi phải công nhận rằng Mekong Capital đã thoái vốn quá sớm, đặc biệt là khoản đầu tư ở Masan Consumer.
Thực tế trước đây Mekong Capital đã rót tiền vào thegioididong, một công ty khởi nghiệp thành công điển hình tại Việt Nam. Ông đánh giá ra sao về khoản đầu tư này của công ty? thegioididong có phải là khoản đầu tư thành công nhất của Mekong Capital hay không?
Chính xác, Thế Giới Di Động (TGDĐ) là khoản đầu tư thành công nhất của Mekong Capital. Ban đầu, giá trị của TGDĐ chỉ vào khoảng 10 triệu USD, và bây giờ con số này đã tăng lên 500 triệu USD. Có nhiều nhân tố góp phần vào thành công của TGDĐ. Một trong số đó là đội ngũ quản lý mạnh mẽ với 5 nhà sáng lập.
Một nhân tố khác là họ đã tập trung vào việc phát triển văn hóa doanh nghiệp chắc chắn, và đây là lợi thế cạnh tranh lớn dành cho TGDĐ. Thêm nữa, việc không ngừng tập trung vào trải nghiệm và sự hài lòng của khách hàng đã tạo nên thành công vượt bậc cho TGDĐ. Ngoài ra, họ có Hội đồng quản trị vững mạnh bao gồm cả Bob Willet, cựu CEO của BestBuy, người đã đóng góp rất nhiều vào giá trị gia tăng cho doanh nghiệp này.
Ông đánh giá ra sao về tương lai của thị trường bán lẻ di động?
Thị trường vẫn còn sự tăng trưởng tiềm năng khi người tiêu dùng có khuynh hướng chuyển đổi từ điện thoại thông thường sang điện thoại thông minh và nhiều người sử dụng máy tính bảng hơn. Ở chừng mực nào đó, máy tính bảng đang dần thay thế máy tính xách tay.
Bản thân TGDĐ cũng sẽ phát triển sâu hơn trong lĩnh vực điện tử tiêu dùng thông qua hệ thống DienmayXANH (dự kiến sẽ có khoảng 40 cửa hàng vào cuối năm 2015). Ngoài ra, họ cũng sẽ giới thiệu một mô hình bán lẻ mới vào cuối năm nay.
Sau khi thoái vốn một phần, MEF II vẫn đang sở hữu 16.041.854 tương đương 11,46% của thgioididong. Ông và quỹ của mình có kế hoạch thế nào với số cổ phần này? Khi nào quỹ MEF II sẽ hoàn tất thoái vốn khỏi doanh nghiệp này?
Rất khó để nói về điều này. Hiện tại, chúng tôi nghĩ giá của cổ phiếu TGDĐ là quá thấp và sẽ không bán ra ở mức giá này. Dù chưa thể nói được nhiều nhưng chúng tôi có thể sẽ hoãn kế hoạch thoái vốn ở TGDĐ nếu cần. Thực sự không dễ để tìm được một doanh nghiệp như TGDĐ với mức tăng trưởng lợi nhuận lên đến 50% mỗi năm. Tôi nghĩ họ sẽ tiếp tục rất thành công.
Được biết Mekong Capital đang huy động vốn để thành lập Quỹ Mekong Enterprise Fund III (MEF III). Ông có thể tiết lộ danh mục sắp tới của MEF III, những công ty nào đang trong tầm ngắm của MEF III?
MEF III sẽ tập trung vào ngành hàng tiêu dùng. Chúng tôi đã có một số khoản đầu tư tiềm năng và dự định sẽ chốt được 1-2 khoản đầu tư vào tháng Tám tới.
Với kinh nghiệm sống và làm việc gần 20 năm tại Việt Nam, ông đánh giá môi trường kinh doanh nói chung tại Việt Nam như thế nào?
Việt Nam đang phát triển nhanh nhưng các doanh nghiệp chưa cạnh tranh được vì chất lượng quản trị ở các công ty hiện đang thấp hơn so với chuẩn quốc tế. Điều này sẽ mang đến cơ hội tốt cho những doanh nghiệp có thể tuyển dụng được đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp và áp dụng thực hành tốt nhất. Điều này cũng tạo ra môi trường hấp dẫn cho các nhà đầu tư như Mekong Capital, vì các doanh nghiệp mà chúng tôi đầu tư có xu hướng phát triển đội ngũ quản trị hiệu quả hơn so với đối thủ cạnh tranh.
Được biết chương trình hỗ trợ và đầu tư vào các công ty khởi nghiệp "Mekong 20 Millions USD Challenge" của Mekong Capital đã sớm phải dừng lại do các startup tham gia không mang lại kết quả như mong đợi. Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này được không?
Năm 2007, chúng tôi đã thử nghiệm ý tưởng đầu tư vào lĩnh vực khởi nghiệp nhưng chưa thành công. Vào thời điểm đó, chúng tôi không thể tìm được những loại hình mà các nhà sáng lập có đủ kỹ năng và đặc điểm cần thiết để đảm bảo thành công cho doanh nghiệp của họ. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng tình hình đã được cải thiện phần nào kể từ đó, và các nhà đầu tư như Seedcom dường như đang làm rất tốt việc đầu tư vào mô hình khởi nghiệp đầy hứa hẹn này. Hiện tại, có nhiều văn hóa khởi nghiệp đang được hình thành ở Việt Nam hơn, chủ yếu là trong lĩnh vực IT.
Là một nhà đầu tư người nước ngoài, ông có thể đưa ra vài lời khuyên dành cho các nhà sáng lập trong nước muốn gọi vốn đầu tư từ nước ngoài được không?
Những gì có thể chứng minh rằng họ đang xây dựng đội ngũ quản trị, tuân thủ các quy chuẩn về thuế và có Ban giám đốc hoạt động hiệu quả cùng với việc thực hành quản trị doanh nghiệp tốt.
Nếu phải đưa ra một lời khuyên dành cho các bạn trẻ Việt Nam muốn khởi nghiệp, là một nhà đầu tư kỳ cựu tại thị trường Việt Nam, ông sẽ nói gì?
Không nên vội vàng khởi nghiệp. Tôi thành lập Mekong Capital năm 2001, khi đó tôi 29 tuổi và có 6 năm kinh nghiệm. Dù hiện tại Mekong Capital đã thành công, nhưng chúng tôi cũng đã mắc phải rất nhiều sai lầm mà tôi tin chắc rằng những điều này có thể hoàn toàn tránh được nếu có nhiều kinh nghiệm hơn trước khi quyết định thành lập quỹ. Ngoài ra, thay vì làm mọi việc một mình, tôi nghĩ đáng ra phải tìm một người đồng sáng lập.
Xin cảm ơn ông!
Theo Vân Đàm
CafeBiz