Những ngày gần đây, việc các trung tâm đăng kiểm siết chặt quy trình kiểm định phương tiện đang gây chú ý. Động thái này khiến cho nhiều chủ xe hớt hải tìm cách đưa xe trở về tình trạng nguyên bản. Thậm chí, nhiều xe ô tô đã “độ” quá tay, chủ xe chấp nhận mượn, thuê lại các chi tiết, bộ phận nguyên bản để lắp cho xe nhằm tránh nguy cơ bị từ chối đăng kiểm.
Theo quy định trường hợp ô tô quá hạn đăng kiểm, tài xế cũng như chủ xe là các cá nhân, tổ chức sẽ bị xử phạt hành chính. Cụ thể, theo điểm c, khoản 4, điều 16 của Nghị định 100/2019, người điều khiển xe (tài xế) có giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường nhưng đã hết hạn sử dụng dưới 1 tháng (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ-moóc) sẽ bị phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng. Bên cạnh đó, tài xế còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng.
Ngoài ra, những trường hợp ô tô thay đổi hệ thống đèn chiếu sáng, gắn thêm cản trước, sau, giá nóc; thay đổi màu sơn, dán decal đổi màu sơn; thay đổi kết cấu thiết kế; ô tô Van lắp thêm ghế ngồi hay ô tô không lắp thiết bị giám sát hành trình… sẽ bị từ chối đăng kiểm.
CTCP Đăng kiểm xe cơ giới Hải Dương (mã chứng khoán HTK) là công ty đăng kiểm duy nhất từng niêm yết trên sàn chứng khoán. Tuy nhiên, vào ngày 4/4/2022, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã hủy niêm yết cổ phiếu này.
CTCP Đăng kiểm xe cơ giới Hải Dương công bố báo cáo tài chính năm 2021 với tình hình không mấy khả quan. Thực hiện hơn 33.500 lượt xe kiểm định, tổng doanh thu của công ty đạt hơn 10,7 tỷ đồng, lãi sau thuế thu về 480 triệu đồng.
So với kế hoạch là 15 tỷ doanh thu và 3,8 tỷ lợi nhuận, HTK chỉ thực hiện được 72% chỉ tiêu doanh thu và 15% chỉ tiêu lợi nhuận.
Theo HTK, năm 2021, Công ty có nhiều khó khăn do dịch bệnh và các Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới xã hội hoá được xây mới đi vào hoạt động, đời sống người lao động gặp nhiều khó khăn cho việc làm và mức thu nhập người lao động giảm.
HTK được thành lập theo Quyết định số 1134/QĐ-UB ngày 25/7/1995 của UBND tỉnh Hải Hưng (từ năm 1997 tách thành 2 tỉnh Hải Dương và Hưng Yên) về việc thành lập “Trạm đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ” gọi tắt là “Trạm đăng kiểm ô tô” với số biên chế ban đầu là 5 cán bộ.
Năm 2005, UBND tỉnh Hải Dương có Quyết định số 4922/2005/QĐ- về việc đổi tên Trạm Đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ thành Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Hải Dương thuộc Sở Giao thông vận tải. Đến nay, Trung tâmcó 42 cán bộ, thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo Quyết định số 1621/QĐ-UBND ngày 17/7/2012 của UBND tỉnh Hải Dương.
Hiện, HTK hoạt động chính trong lĩnh vực kiểm định an toàn kỹ thuật và cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường xe cơ giới; cấp giấy chứng nhận xe cơ giới cải tạo; Thu phí bảo trì đường bộ; Bán bảo hiểm cho xe cơ giới; Quản lý, vận hành, bảo dưỡng....
Về hoạt động đầu tư, những năm trở lại đây Công ty không tăng vốn điều lệ, đồng thời không thực hiện khoản đầu tư lớn nào. Tính đến thời điểm 31/12/2021, tổng tài sản HTK là 67 tỷ đồng, vốn điều lệ hơn 61 tỷ.
Theo Bảo An
Nhịp sống thị trường