Thị trường chứng khoán tiếp đà hồi phục, nhóm thép cũng hòa chung không khí tưng bừng trong đó “anh cả” Hòa Phát (mã HPG) tăng mạnh 4% và đóng góp lớn nhất vào VN-Index phiên 21/6. Tính từ đầu tháng 6, cổ phiếu HPG đã tăng 16% qua đó leo lên mức cao nhất trong vòng một năm trở lại đây.
Với thị giá 24.600 đồng/cp, giá trị vốn hóa thị trường của Hòa Phát tương ứng ở mức trên 143.000 tỷ đồng, tăng gần 19.800 tỷ sau 3 tuần. Mức vốn hóa này đã đưa doanh nghiệp đầu ngành thép vượt qua VietinBank để leo lên xếp thứ 7 trong danh sách các cổ phiếu giá trị nhất toàn sàn chứng khoán.
Hòa Phát lên đỉnh một năm là tin vui với rất nhiều nhà đầu tư chứng khoán bởi HPG lâu nay vẫn được ví như “cổ phiếu quốc dân”. Từ các quỹ đầu tư lớn, công ty chứng khoán đến các doanh nghiệp tay ngang và đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân đều rất ưa thích cổ phiếu này. Không ít nhà đầu tư lựa chọn HPG cho danh mục nắm giữ dài hạn.
Điển hình như Chứng khoán Trí Việt (TVB), đại diện công ty mới đây đã chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên 2023: “Với mục tiêu đầu tư dài hạn, công ty xác định giá cổ phiếu HPG còn tiếp tục tăng nên vẫn tiếp tục nắm giữ” .
Đại diện TVB cho biết hoạt động kinh doanh của Hòa Phát ở thời điểm hiện tại đã có tín hiệu phục hồi tích cực so với quý 3 và quý 4/2022 với việc biên lợi nhuận gộp cải thiện và không còn chịu tổn thất lớn do chênh lệch tỷ giá.
Đội ngũ phân tích của TVB cho rằng, cổ phiếu HPG vẫn đang thấp hơn giá trị hợp lý và kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, nhờ vào các yếu tố gồm: (1) kết quả kinh doanh cải thiện khi chi phí nguyên liệu đầu vào là quặng sắt và than cốc đã giảm đáng kể so với cuối năm 2022; và (2) nhu cầu từ thị trường xây dựng và bất động sản về cuối năm 2023 nhiều khả năng sẽ phục hồi nhờ các chính sách giảm lãi suất cũng như các chính sách thúc đẩy đầu tư công của Chính phủ nhằm hỗ trợ thị trường.
Đồng quan điểm với TVB, Chứng khoán BSC cũng cho rằng mức định giá hiện tại của HPG phù hợp để tích lũy dài hạn với việc (1) thời điểm xấu nhất đã qua. (2) Hòa Phát là doanh nghiệp sở hữu chất lượng quản trị tốt, (3) Vị thế Hòa Phát sẽ gia tăng đáng kể sau khi Dung Quất 2 đi vào hoạt động.
Những tín hiệu tích cực
Thực tế, ngành thép nói chung cũng đang đón một số tín hiệu tích cực. Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), sản lượng thép sản xuất trong tháng 5 đạt 2 triệu tấn, tăng 3,1% so với tháng trước. Sản lượng xuất khẩu thậm chí còn tăng trưởng ấn tượng 29,7% so với tháng trước, đạt 822,657 tấn, cao hơn gần 52% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong tháng 5, số lượng nhà xây mới tại Mỹ đã tăng mạnh 21,7% so với tháng trước và vượt xa dự báo của thị trường, phần nào cho thấy dấu hiệu ấm lên của thị trường bất động sản tại Mỹ. Đây cũng là tin đáng mừng với ngành thép bởi thị trường Mỹ chiếm hơn 10% quy mô xuất khẩu thép của Việt Nam.
Riêng với Hòa Phát, trong tháng 5, sản lượng bán các sản phẩm thép (thép xây dựng, thép cuộn cán nóng và phôi thép) của tập đoàn đạt 530.000 tấn, giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng tăng 16% so với tháng 4 trước đó. Đây cũng là mức tiêu thụ thép cao nhất của doanh nghiệp đầu ngành thép kể từ đầu năm.
Tiêu thụ thép hồi phục phần nào củng cố thêm cơ sở để các nhà sản xuất thép tái khởi động lại các lò cao đã đóng vào cuối năm ngoái khi thị trường ảm đạm. Không chỉ có Hòa Phát, Pomina cũng đã có kế hoạch mở lại lò cao, thậm chí còn dự định tăng vốn để bổ sung nguồn lực mở rộng sản suất kinh doanh.
Ngắn hạn vẫn còn nhiều thách thức
Không thể phủ nhận triển vọng tương đối lạc quan về dài hạn đối với ngành thép tuy nhiên những thách thức trong ngắn hạn cũng không ít. Sau khi có nhịp hồi phục mạnh từ đáy vào nửa đầu tháng 6, giá thép thanh vằn tại thị trường Trung Quốc đã quay đầu giảm trở lại trong khoảng hơn một tuần trở lại đây. Theo Agriseco, giá thép thế giới có thể đi ngang trong nửa cuối năm 2023 bởi triển vọng kinh tế toàn cầu kém khả quan, thị trường bất động sản ở Trung Quốc vẫn ảm đạm.
Đối với thị trường trong nước, nhu cầu có sự phục hồi từ đáy nhưng vẫn còn yếu đã gây áp lực lớn lên giá thép ngay cả trong giai đoạn giá mặt hàng này trên thế giới phục hồi. Giá thép xây dựng trong nước đã có 11 lần điều chỉnh giảm liên tiếp kể từ đầu tháng 4. Theo Agriseco, tiêu thụ thép xây dựng trong quý 2/2023 vẫn sẽ yếu do thị trường bất động sản vẫn còn nhiều khó khăn.
Tương tự, VNDirect cũng nhận định vẫn còn quá sớm để đánh giá thị trường bất động sản sẽ “rã đông” khi hiệu quả thực tế triển khai các chính sách vẫn còn bỏ ngỏ và nhiều điểm nghẽn chưa được giải quyết triệt để. Nhu cầu ảm đạm kéo dài của lĩnh vực xây dựng dân dụng nội địa sẽ tác động đáng kể đối với nhu cầu vật liệu xây dựng, dự báo tổng nhu cầu thép trong nước vẫn sẽ tăng trưởng âm một chữ số vào năm 2023.
Câu chuyện thúc đẩy giải ngân đầu tư công trong năm 2023 được kỳ vọng là cú huých cho sự tăng trưởng nhu cầu sắt thép phục vụ xây dựng, trong đó Hòa Phát là cái tên được hưởng lợi rõ rệt nhất trong nhóm thép. Tuy nhiên, VCBS cho rằng tỷ trọng tiêu thụ thép trong đầu tư công là không đáng kể, chỉ 10-15% và hiện nay tốc độ giải ngân vốn đầu tư công còn khá chậm, vì vậy kỳ vọng về tăng trưởng tiêu thụ sẽ khó hồi phục mạnh trong năm nay.
Hà Linh
Nhịp Sống Thị Trường