Cổ phiếu HPG của CTCP Tập đoàn Hòa Phát trong phiên giao dịch ngày 27/2 đã có diễn biến tích cực khi tăng 5,4% so với giá đóng cửa phiên hôm trước lên 30.350 đồng/cp - mức giá cao nhất trong vòng 21 tháng xác lập mức vốn hóa thị trường gần 176.500 tỷ đồng.
Trong khi đó, cổ phiếu VIC của Vingroup tăng 1,2% lên 45.150 đồng/cp, vốn hóa thị trường hơn 172.600 tỷ đồng.
Như vậy, vốn hóa Hòa Phát lại 1 lần nữa vượt qua vốn hóa của Vingroup, xếp thứ 6 trong danh sách các doanh nghiệp giá trị nhất sàn chứng khoán.
Sau 3 phiên tăng mạnh và 'làm mưa làm gió' trên sàn chứng khoán, cổ phiếu VIC lại quay đầu giảm, sau hơn 4 phiên từ 21/2/2024 tới nay, cổ phiếu VIC đã giảm hơn 7%.
Đà tăng của cổ phiếu ghi nhận sau khi đón những tín hiệu tích cực từ kết quả kinh doanh của Tập đoàn. Quý 4/2023, trong khi doanh thu bán hàng của Hòa Phát tăng 6.133 tỷ đồng, giá vốn chỉ tăng 5.406 tỷ đồng, làm dày lên biên lợi nhuận gộp. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận 2.969 tỷ đồng, tăng 48% so với quý trước.
Tổng cả năm 2023, Hòa Phát đã sản xuất 6,7 triệu tấn thép thô, giảm 10% so với năm 2022. Sản lượng bán hàng các sản phẩm thép HRC, thép xây dựng, thép chất lượng cao và phôi thép đạt 6,72 triệu tấn, giảm 7%. Tuy tổng tiêu thụ cả năm thấp hơn 2022 nhưng về xu hướng bức tranh kinh doanh thép của HPG đã dần sáng lên khi số liệu có xu hướng tăng trưởng qua từng quý và đạt mức tốt nhất vào quý 4, ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu.
Về kinh doanh, , Hòa Phát đạt 120.355 tỷ đồng doanh thu trong năm 2023, giảm 16% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế là 6.800 tỷ đồng, tương ứng hoàn thành 85% kế hoạch năm nhưng chỉ bằng 1/5 so với mức kỷ lục đạt được năm 2021.
Trước đó, vào ngày 23/1, lần đầu tiên kể từ khi niêm yết (2007) vốn hoá Hoà Phát vượt qua Vingroup khi cổ phiếu HPG nhích nhẹ đi ngược thị trường đẩy giá trị vốn hóa của Hòa Phát lên mức 164.850 tỷ đồng. Con số này vừa đủ để vượt qua Vingroup khi cổ phiếu VIC giảm 0,46% trong phiên giao dịch cùng ngày, vốn hóa còn gần 164.400 tỷ đồng.
Ngọc Điệp