Năm 2016, thị trường đã chứng kiến nhiều ngân hàng thay đổi nhân sự cấp cao, đặc biệt là ghế chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc.
Có thể kể đến như thay chủ tịch Hội đồng quản trị ở Nam A Bank (ông Nguyễn Quốc Toàn thay ông Phan Đình Tân) và NCB (Ngân hàng Quốc dân, bà Trần Hải Anh lên làm chủ tịch thay cho ông Vũ Hồng Nam). Ngân hàng BIDV cũng có sự thay đổi nhân sự cấp cao khi chủ tịch Hội đồng quản trị là ông Trần Bắc Hà đến tuổi nghỉ hưu vào đầu tháng 9 nhưng ngân hàng chưa có chủ tich mới mà chỉ mới có người đứng ra điều hành hoạt động của HĐQT là ông Trần Anh Tuấn, một thành viên HĐQT.
Các ngân hàng như Techcombank, Việt Á, Eximbank, PvcomBank, Vietbank thì đồng loạt thay tổng giám đốc. Trong đó ông Nguyễn Lê Quốc Anh trở thành “thuyền trưởng” mới của Techcombank thay vị CEO ngoại Murat Yuldashev; ông Lê Xuân Vũ làm Tổng giám đốc mới của Việt Á thay bà Phương Thanh Nhung; ông Nguyễn Hoàng Nam thay ông Nguyễn Hoàng Linh làm CEO của PvcomBank; ông Lê Văn Quyết làm CEO của Eximbank sau một thời gian ông Trần Tấn Lộc làm quyền tổng giám đốc; ông Nguyễn Đăng Thanh thay ông Nguyễn Thanh Nhung ở ngân hàng VietBank.
Và hàng loạt ngân hàng cũng thay thế, bổ nhiệm mới các phó tổng giám đốc như ABBank, Lienvietpostbank, NCB, VIB, Vietbank…
Bước sang năm 2017, làn sóng thay đổi nhân sự cấp cao chắc chắn chưa dừng lại. Mới đầu năm, ngân hàng Quân đội (MB) đã thay Tổng giám đốc khi TS. Thiếu tướng Lê Công - người đã giữ chức Tổng giám đốc từ năm 2010- đến tuổi nghỉ hưu, và ông Lưu Trung Thái, Phó chủ tịch HĐQT được bổ nhiệm lên thay thế kể từ ngày 16/1/2017.
Trong năm nay, BIDV chắc chắn sẽ tính đến việc bầu ra chức danh chủ tịch mới. Thông thường ở các ngân hàng do Nhà nước nắm quyền chi phối thì người đại diện sở hữu sẽ giữ trọng trách quan trọng. Dưới thời ông Bắc Hà, ông cũng là Người đại diện 40% phần vốn Nhà nước tại BIDV.
NHNN hiện là cổ đông lớn nhất của BIDV với tỷ lệ sở hữu 95,3%. Trước khi nghỉ hưu, ông Trần Bắc Hà đại diện 40% vốn Nhà nước tại BIDV, ông Phan Đức Tú - Ủy viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc BIDV đại diện 30%, và ông Đặng Xuân Sinh - Ủy viên HĐQT BIDV đại diện 30% vốn Nhà nước tại ngân hàng này. Từ sau khi ông Bắc Hà về hưu, đại diện 40% vốn nói trên vẫn chưa có người thay thế.
Ở Ngân hàng Eximbank, mặc dù ghế chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc đều đã có người nắm giữ, nhưng ngân hàng này vẫn còn lùm xùm chuyện bầu bổ sung thành viên HĐQT suốt từ năm 2015 tới nay. Đã qua mấy kỳ ĐHCĐ (cả bất thường) mà Eximbank vẫn chưa thể hoàn tất bộ máy cấp cao. Hi vọng rằng trong năm nay ngân hàng sẽ giải quyết xong vấn đề nhân sự để tập trung vào kinh doanh và kỳ vọng này hoàn toàn có cơ sở khi ngày 24/1 vừa qua ngân hàng cho biết tại kỳ ĐHCĐ năm 2017 tổ chức vào ngày 21/4 tới đây sẽ bầu bổ sung thêm 3 thành viên Hội đồng quản trị.
Một ngân hàng nữa năm nay có thể cũng sẽ có nhân sự cấp cao mới đó là GP.Bank – “ngân hàng 0 đồng”. Bà Trần Thị Lệ Nga, chủ tịch Hội đồng thành viên đã nghỉ hưu theo chế độ từ tháng 4 năm 2016, nhưng ngân hàng này cho đến nay vẫn chưa công bố vị chủ tịch mới. Hiện Tổng giám đốc ngân hàng đang là ông Phạm Huy Thông, nguyên Phó tổng giám đốc VietinBank.
Vài năm gần đây, làn sóng thay đổi nhân sự ở các ngân hàng diễn ra khá ồ ạt, không chỉ ở cấp nhân viên mà cả cấp lãnh đạo tầm trung rồi lãnh đạo cấp cao. Vì thế thị trường cũng không còn quá bất ngờ khi có vị Tổng giám đốc, phó tổng giám đốc hay ủy viên HĐQT của ngân hàng nào từ nhiệm rồi bổ nhiệm mới người thay thế. Và bởi ngành ngân hàng có phạm vi hẹp, lãnh đạo tài giỏi thì không nhiều nên sự luân chuyển của các vị sếp từ ngân hàng này sang nhà băng khác cũng là chuyện thường “như cơm bữa”.
Tùng Lâm