Ngày 30/9, CTCP Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex - mã:GIL) nhận được đơn từ nhiệm thành viên HĐQT của ông Nguyễn Việt Cường kể từ ngày 1/10/2024.
Theo đó, ông Cường nộp đơn xin từ nhiệm vì lí do cá nhân.
Ông Nguyễn Việt Cường (SN 1976), có trình độ cử nhân kinh tế - Chuyên viên Kế toán, kiểm toán quốc tế (FCCA). Ông từng làm kiểm toán viên cao cấp tại Công ty TNHH Kiểm toán quốc tế KPMG, trưởng phòng kế toán quản trị tại Công ty TNHH Unilever Bestfoods Vietnam, giám đốc đầu tư tại VinaCapital Investment Management Ltd, phó giám đốc điều hành tại VinaCapital Corporate Finance VN Co., Ltd.
Từ năm 2012, ông Cường giữ chức vụ giám đốc điều hành tại Gilimex. Đến tháng 3/2013, ông được bầu làm thành viên HĐQT của Gilimex.
Gilimex được thành lập 1982, hoạt động chính trong lĩnh vực dệt may với các sản phẩm hộp lưu trữ, giỏ đựng đồ gặt, balo, túi xách… làm bằng vải. Những năm trước đây, doanh thu của Gilimex lên tới hàng nghìn tỷ mỗi năm . Tình hình bất ngờ trở nên khó khăn sau khi Gilimex khởi kiện gã khổng lồ thương mại điện tử Amazon Robotics LLC vào cuối năm 2022 do vi phạm cam kết mà hai bên đã thỏa thuận.
Cụ thể, kể từ quý 3/2022, kết quả kinh doanh Gilimex lao dốc do khách hàng lớn nhất là Amazon cắt đơn hàng. Doanh thu quý 3 khi đó giảm đến trên 80%, đưa doanh thu cả năm 2022 giảm 24%, lợi nhuận cốt lõi (lợi nhuận gộp – chi phí tài chính – chi phí bán hàng – chi phí quản lý doanh nghiệp) bốc hơi 97% xuống còn 12 tỷ đồng.
Sang tới 2023, lãi ròng của Gilimex tiếp tục giảm tới 92% và dòng tiền kinh doanh ghi nhận mức âm kỷ lục (-319 tỷ đồng).
Việc quá phụ thuộc vào một khách hàng lớn khiến doanh nghiệp ngành dệt may này trở tay không kịp. Amazon từng được xem là "người hùng" của Gilimex khi trở thành đối tác chính từ năm 2014 giữa bối cảnh giai đoạn dịch bệnh và thương mại điện tử bùng nổ. Gilimex sau đó đã đầu tư hàng chục triệu USD vào các cơ sở sản xuất nhằm xây dựng kho chứa hàng hóa, tuyển dụng hơn 7.000 nhân viên để sản xuất hơn 1 triệu đơn vị sản phẩm hàng năm, thậm chí từ chối các khách hàng lớn khác như IKEA, Columbia Sportswear và di dời các cơ sản sản xuất, đóng gói.
Cục diện xoay chiều khi Amazon đột ngột "thay đổi và giảm nhu cầu dự kiến" trong thời gian còn lại của năm 2022-2023, Gilimex ngay lập tức gặp tình trạng dư thừa năng lực sản xuất và nguyên liệu thô. Tại ngày 31/12/2023, tổng tài sản của Gilimex đạt 3.359 tỷ đồng, giảm 16% so với hồi đầu năm. Có tới hơn 40% tổng tài sản là hàng tồn kho của công ty Gilimex, giá trị đạt 1.364 tỷ đồng. Đáng chú ý là công ty chưa trích lập dự phòng giảm giá tồn kho mặc dù một lượng lớn hàng tồn kho dành phục vụ sản xuất cho đơn hàng đã bị huỷ của Amazon.
Mặt khác, cũng phải nói tới bối cảnh khó khăn chung của ngành dệt may khi nhu cầu giảm mạnh, đơn hàng thiếu hụt ảnh hưởng lớn tới sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Gilimex cũng không nằm ngoài xu hướng này. Doanh nghiệp thậm chí phải cắt giảm một nửa nhân viên, từ 1.818 người hồi đầu năm xuống còn 968 người vào cuối năm 2023.
Nhanh chóng rẽ hướng tìm con đường mới cộng thêm bối cảnh chung của ngành dần hồi phục, những tín hiệu tươi sáng hơn đang tới với Gilimex trong năm 2024.
Trong 6 tháng đầu năm, Gilimex ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 367 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 9 tỷ, trong khi cùng kỳ lỗ hơn 44 tỷ đồng. Công ty cho biết, điều này là do hoạt động kinh doanh sản xuất thay đổi cơ cấu mặt hàng xuất bán nên tỷ lệ lợi nhuận cũng thay đổi và hoạt động kinh doanh BĐS khu công nghiệp đã có doanh thu và lợi nhuận.
Ngọc Điệp
Nhịp sống thị trường