Hơn 1 thập kỷ trôi qua, trong bối cảnh công nghệ ngày càng tân tiến, nhiều công trình cầu đường lớn liên tục ra đời như Cầu Cần Thơ (mệnh danh là cầu dây văng cao nhất Việt Nam), Cầu Phú Mỹ (cầu có dây văng cao nhất Tp.HCM và là một trong các cây cầu hiện đại nhất thế giới)… song danh hiệu cầu có trụ cầu cao nhất Việt Nam vẫn thuộc về Cầu Pá Uôn.
Khởi công từ năm 2007, công trình xây dựng Cầu Pá Uôn trên địa bàn xã Quỳnh Ơn, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La gây nhiều tiếng vang khi là cây cầu Made in Vietnam hoàn toàn, toàn bộ các khâu thiết kế, thi công đều do người Việt Nam thực hiện.
Cầu có trụ chính cao 98m, tính từ mặt nước đến mặt cầu cao tới 105m và được xác nhận là cầu cao nhất Việt Nam. Lúc bấy giờ, Pá Uôn còn được xem là tuyến giao thông huyết mạch nối Sơn La với các tỉnh Tây Bắc khác như Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, bắc ngang sông Đà hùng vĩ và nằm trên tuyến quốc lộ 279, tại lý trình Km250+143,59m.
Cầu được thông xe vào năm 2010. Doanh nghiệp (DN) đứng sau thành công cầu Pá Uôn chính là CTCP Tập đoàn Cienco4 (C4G) – nhà thầu có thâm niên Top đầu ngành xây dựng Việt Nam.
Nhà thầu 62 năm tuổi và 1 trong những nhà tiên phong BOT
C4G là đơn vị kế thừa truyền thống Cục Công trình - Bộ Giao thông vận tải được thành lập ngày 27/12/1962 để thực hiện nhiệm vụ đảm bảo giao thông trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước.
Cuối năm 1991, C4G chính thức tách khỏi Liên hiệp Xí nghiệp công trình Giao thông 4 với tên gọi mới là Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông miền Trung. Đây là giai đoạn nền kinh tế đất nước vận hành theo cơ chế thị trường, lấy yếu tố cạnh tranh làm điều kiện tồn tại.
Trong bối cảnh khó khăn chung cả nước do tình hình trang thiết bị công nghệ còn lạc hậu, C4G đã tiến hành cơ cấu lại bộ máy quản lý, sản xuất với điều kiện tiên quyết là đổi mới, ứng dụng các thiết bị, công nghệ mới. Nguyên Tổng giám đốc Tập đoàn từng chia sẻ, giai đoạn năm 1996 - 2004, Tập đoàn đã chi khoảng 675 tỷ để mua sắm các thiết bị công nghệ mới và hiện đại từ các quốc gia phát triển như Lurung, Sakai của Nhật Bản; trạm trộn bê tông nhựa nóng của Hàn Quốc; máy rải bê tông nhựa nóng, máy rải bê tông xi măng và máy khoan cọc nhồi của Đức.
Nhờ đó, những công nghệ lần đầu tiên được ứng dụng tại Việt Nam như công nghệ đúc đẩy tại cầu Hiền Lương; công nghệ thi công mặt đường cấp cao bằng bê tông xi măng ở các đoạn ngập lụt trên QL1A đoạn Vinh - Đông Hà. Đặc biệt, với việc làm chủ công nghệ cầu dây văng, C4G đã làm nên cầu Đakrông - cây cầu dây văng đầu tiên do Việt Nam tự thiết kế và thi công nằm trên tuyến đường Hồ Chí Minh.
C4G cũng là DN tiên phong cho hình thức đầu tư BOT. Đầu thế kỷ 21, các hình thức đầu tư BOT, BOO còn khá mới mẻ ở Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, C4G đã liên kết với Tổng công ty Xây dựng Thăng Long đầu tư thi công xây dựng cầu Yên Lệnh theo phương thức BOT (Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao).
Cũng với hình thức BOT, những năm sau đó Tập đoàn liên tiếp trúng thầu tuyến tránh QL1 đoạn tránh Tp.Vinh (tổng giá trị đầu tư gần 400 tỷ) và dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới với tổng đầu tư lên đến 2.746 tỷ đồng.
Hiện, C4G đang là những nhà thầu thi công các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam như gói thầu XL04 dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu; gói XL02 dự án Dầu Giây - Phan Thiết...
Trong động thái mới nhất, C4G lần nữa làm nên tên tuổi khi là 1 trong số nhà thầu trúng gói thầu kỹ thuật 8.100 tỷ đồng tại siêu dự án Sân bay Long Thành.
Kinh doanh chỉ thực sự hiệu quả từ năm 2022 – khi làn sóng đầu tư công được đẩy mạnh
Về kinh doanh, mảng xây dựng là hoạt động kinh doanh chính chiếm hơn 60% doanh thu qua các năm của C4G. Thống kê tình hình hoạt động, giai đoạn 2018-2021, C4G tỏ ra không hiệu quả khi doanh thu giảm dần, lợi nhuận ròng thậm chí sụt giảm mạnh từ mức hàng trăm tỷ chỉ còn 60 tỷ đồng trong năm 2021.
Năm 2022, Tập đoàn “nhảy vọt” về chỉ số với doanh thu thuần đạt 2.975 tỷ, lợi nhuận sau thuế đạt 168 tỷ - lần lượt tăng gần 48% và 153% so với năm ngoái. Sang năm 2023, C4G tiếp tục lên kế hoạch tăng trưởng mạnh với doanh thu 4.500 tỷ doanh thu – tăng 51% và lợi nhuận sau thuế 330 tỷ đồng – gấp đôi so với năm 2022. Kết thúc 6 tháng, C4G lần lượt thực hiện được 1.077 tỷ doanh thu và 75 tỷ lợi nhuận.
Cần nhấn mạnh, 2022 cũng là năm bắt đầu sôi động của thị trường đầu tư công, C4G theo đó tăng mạnh vốn từ mức 1.000 tỷ lên gần 3.400 tỷ đồng hiện tại.
Với đặc thù là đơn vị tham gia đầu tư và thi công các công trình giao thông, nên các dự án của C4G kéo dài từ Bắc vào Nam. Theo chia sẻ từ ban lãnh đạo, khối lượng công việc đủ cho công ty hoạt động trong 3 năm. Những hợp đồng ký mới năm 2023 có mức giá tốt hơn. Ngoài tham gia các dự án về hạ tầng giao thông, C4G còn triển khai một số dự án bất động sản tại Tp.HCM và Nghệ An như dự án Khu đô thị Long Sơn - Thị xã Thái Hòa, dự án 61 Nguyễn Trường Tộ, dự án 29 Quang Trung…
Tính đến thời điểm 30/9/2023, tổng tài sản C4G đạt 9.648 tỷ đồng - tăng hơn 1.000 tỷ so với đầu kỳ. Phần lớn tài sản được cấu thành từ nợ với tổng nợ phải trả hiện gần 6.000 tỷ đồng (dư nợ vay chiếm đến 55% với gần 3.300 tỷ đồng). Vốn chủ sở hữu C4G hiện vào mức 3.689 tỷ, LNST chưa phân phối 286 tỷ đồng.
Tri Túc
Nhịp sống thị trường