Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2024 vừa được công bố, tổng tài sản Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV – BID) cuối tháng 6/2024 đã đạt hơn 2,5 triệu tỷ đồng, tăng 9,6% so với đầu năm. Hiện BIDV là ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất tại Việt Nam.
Trong 6 tháng đầu năm, dư nợ cho vay khách hàng của BIDV tăng 5,9%, đạt hơn 1,88 triệu tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng 6% lên hơn 1,8 triệu tỷ.
Tại ngày 30/6, tổng nợ xấu BIDV ở mức 28.687 tỷ đồng, tăng 28,3% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay ở mức 1,52%, cao hơn so với mức 1,26% hồi đầu năm.
Về kết quả kinh doanh, lợi nhuận trước thuế quý 2/2024 của BIDV đạt 8.159 tỷ đồng, tăng 17,4% so với quý 2/2023. Luỹ kế 6 tháng, lợi nhuận trước thuế đạt 15.549 tỷ đồng, tăng 12,1%. Theo đó, BIDV đứng thứ 3 về lợi nhuận, sau Techcombank (hơn 15.600 tỷ) và Vietcombank (hơn 20.800 tỷ).
Hầu hết các mảng kinh doanh của BIDV đều có kết quả khả quan. Trong đó, thu nhập lãi thuần tăng 3,3%, đạt hơn 28.300 tỷ đồng. Lãi từ hoạt động dịch vụ tăng 13,8%, đạt hơn 3.600 tỷ. Đặc biệt, lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng gấp đôi lên 3.191 tỷ đồng. Lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư tăng hơn 7 lần lên 221 tỷ đồng.
Tổng thu nhập hoạt động 6 tháng đầu năm của BIDV đạt 37.396 tỷ đồng, tăng 8,3% so với cùng kỳ. Trong khi đó, chi phí hoạt động tăng 8% lên 12.100 tỷ đồng. Chi phí dự phòng rủi ro tăng 3% lên 9.746 tỷ đồng. Tỷ lệ CIR (chi phí hoạt động/tổng thu nhập) ở mức 32,4%, đi ngang so với cùng kỳ năm 2023. Chi phí dự phòng rủi ro chiếm khoảng 38,5% so với lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh.
Lan Anh
An ninh tiền tệ