Ngày 20/06/2017 vừa qua, HNX đã ban hành Bộ nguyên tắc lập danh sách Cảnh báo nhà đầu tư trên Hệ thống giao dịch UPCoM để thay thế cho Quyết định số 280/QĐ-SGDHN ban hàng trước đó. Với bộ nguyên tắc mới này, HNX đã phân loại các chứng khoán đăng ký giao dịch thành bị hạn chế giao dịch, đình chỉ giao dịch trên hệ thống giao dịch UpCOM và các chứng khoán của các tổ chức đăng ký giao dịch có vốn chủ sở hữu dưới 10 tỷ đồng. HNX cho biết việc lập danh sách cảnh báo nhà đầu tư nhằm thúc đẩy tính minh bạch trên hệ thống giao dịch UpCOM, hỗ trợ bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư.
Với bộ nguyên tắc mới này, tính đến cuối tháng 8/2017, HNX đã đưa vào danh sách cảnh báo 14 doanh nghiệp có VCSH nhỏ hơn 10 tỷ đồng, có tới 69 doanh nghiệp bị hạn chế giao dịch và 9 doanh nghiệp bị đình chỉ giao dịch trên UpCOM. Trong “danh sách đen” này, có không ít gương mặt quen thuộc một thời trên sàn niêm yết, nhưng vì kinh doanh bết bát và vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin mà “rớt” xuống UPCoM.
9 cổ phiếu bị đình chỉ giao dịch
Trong đó có 7 cổ phiếu đã bị tạm ngừng giao dịch từ 2016 và ngành khoáng sản có tới 4 đại diện là BAM, KSS, MTM và KTB trong đó như trường hợp của BAM bị HNX tuyên án tử do vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin nghiêm trọng, sau đó BAM được chuyển dữ liệu xuống giao dịch trên UPCoM nhưng để bảo vệ lợi ích cổ đông, từ 06/1 HNX đưa cổ phiếu BAM vào danh sách “đen” bị tạm ngừng giao dịch. Kể từ đó đến nay cổ phiếu BAM mất hút trên thị trường, không một thông tin liên quan được công bố và website Công ty thì không thể vào. Các doanh nghiệp khoáng sản khác như KSS, MTM, KTB cũng đã bị sàn UpCOM hủy giao dịch do những vi phạm về công bố thông tin.
Kể từ đầu năm 2017 đến nay, UpCOM đưa thêm 2 cổ phiếu khác là VKP và BGM vào danh sách này do cả 2 doanh nghiệp đều vi phạm nghiêm trọng các quy định về CBTT, theo một thông báo ngay sau khi bị huỷ VKP cho biết do những khó khăn hiện tại chưa được giải quyết nên công ty xin tạm ngưng hoạt động trong năm 2017, vào các năm 2015 và 2016 công ty này cũng không có hoạt động. Đối với BGM hiện website của công ty cũng không hoạt động,
69 cổ phiếu bị hạn chế giao dịch
Thực tế cho thấy, sau khi hủy niêm yết bắt buộc do thua lỗ kéo dài, hiếm doanh nghiệp nào có thể cải thiện được tình hình kinh doanh và thoát khỏi gánh nặng tài chính từ các khoản lỗ lũy kế khổng lồ trước đó. Đây cũng là lý do đưa 69 cổ phiếu vào diện bị hạn chế giao dịch tại UPCoM. Trong nhóm này, đông đảo nhất vẫn là các cổ phiếu ngành vận tải biển và nhóm doanh nghiệp là công ty con, công ty liên kết của Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVX) và sự góp mặt đông đảo của các doanh nghiệp ngành xây dựng.
Từ đầu năm 2017 đến nay, có thêm 33 cổ phiếu được đưa vào danh sách này. Đáng chú ý trong số 69 cổ phiếu bị hạn chế giao dịch thì có tới trên 40 cổ phiếu từng giao dịch trên sàn niêm yết chính thức bị "rớt" xuống UpCOM trong đó có rất nhiều cổ phiếu bị đưa vào diện này do kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến đối với BCTC 2016 hoặc do vốn chủ sở hữu âm.
Ngoài ra trong danh sách cảnh báo nhà đầu tư còn có 14 doanh nghiệp bị cảnh báo do có vốn chủ sở hữu dưới 10 tỷ đồng. Trong nhóm này có sự góp mặt của 4 doanh nghiệp sông Đà là S12, CDJ, SDX, SDY
Nếu như trước đây, thị trường giao dịch chứng khoán của các các công ty đại chúng chưa niêm yết ít được doanh nghiệp và nhà đầu tư quan tâm vì lo ngại sẽ có nhiều rủi ro khi đầu tư các cổ phiếu trên sàn này, thì hiện nay, thị trường UPCoM lại đang là điểm đến của nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp để tìm kiếm lợi nhuận. Tính đến hết tháng 8/2017, trên thị trường UPCoM có 621 doanh nghiệp ĐKGD cổ phiếu trong đó riêng trong 8 tháng đầu năm 2017, UPCoM đã có thêm 167 doanh nghiệp ĐKGD mới (trong khi con số này ở cả hai sàn niêm yết chỉ đếm trên đầu ngón tay).
Theo đó việc HNX liên tục rà soát để đưa những cổ phiếu có vấn đề vào bảng này nhằm cảnh báo rủi ro cho nhà đầu tư được thị trường đánh giá cao. Đặc biệt, xử lý kiên quyết với các trường hợp doanh nghiệp bị hủy niêm yết tự động xuống đăng ký giao dịch tại UPCoM. Việc hạn chế giao dịch hoặc tạm ngừng giao dịch với các trường hợp doanh nghiệp không khắc phục được nguyên nhân bị đưa vào bảng cảnh báo đã ngăn ngừa việc đẩy rủi ro sang một lớp nhà đầu tư mới.
Tú Anh
HNX