Không phải ngẫu nhiên mà ngày càng có nhiều tay chơi tham gia vào cuộc chiến xúc xích. Cứ nhìn vào kết quả kinh doanh của Vissan là có thể hiểu tại sao đây lại là sản phẩm hấp dẫn với các doanh nghiệp. Năm 2014, dù mặt hàng này chỉ chiếm 25,4% doanh thu của Vissan nhưng nó lại đóng góp hơn 60% tổng lợi nhuận của công ty. Tính riêng 9 tháng đầu năm 2015, xúc xích đã đem về 306 tỷ trong tổng số 546 tỷ lợi nhuận của Vissan.
Lợi thế và thách thức của kẻ dẫn đầu
Năm 1997, Công ty Kỹ nghệ súc sản Vissan (Vissan) chính thức cho ra đời mẻ xúc xích tiệt trùng đầu tiên, trở thành doanh nghiệp tiên phong sản xuất và kinh doanh xúc xích tại Việt Nam. Đến nay, sau gần 20 năm, Vissan vẫn đang duy trì vị trí số 1 trên thị trường, chiếm 65% thị phần xúc xích bán trong nước với 3 thương hiệu chính là: Vissan, 3 Bông Mai, Dzui Dzui. Ngoài ra, sản phẩm này còn được xuất khẩu sang Lào và Campuchia.
Để xây dựng tên tuổi như hiện nay, bên cạnh chất lượng sản phẩm, Vissan còn nhờ đến hệ thống phân phối mạnh. Tính đến đầu tháng 3, doanh nghiệp này đã sở hữu mạng lưới phân phối rộng khắp với 223 siêu thị, 703 cửa hàng tiện lợi, 59 cửa hàng giới thiệu sản phẩm, hệ thống nhà phân phối và đại lý, điểm bán. Ngoài ra, Vissan cũng nắm trong tay nhiều sạp chợ với vị trí đẹp.
Từ thành công tại thị trường phía Nam, Vissan tiếp tục khai phá thị trường miền Bắc từ năm 2000. Sau một thời gian xây dựng thương hiệu tại đây, tháng 6/2015, công ty đã khai trương một nhà máy sản xuất tại Bắc Ninh, giúp tăng lượng hàng hóa cung ứng cho thị trường, đồng thời đẩy mạnh việc tấn công vào thị trường Lào.
Tuy vậy, Vissan cũng đang phải đối mặt với không ít thách thức khi cuộc chiến giành thị phần xúc xích tại Việt Nam diễn ra ngày càng quyết liệt với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lớn, trong đó nổi lên là công ty CP Đức Việt và công ty chăn nuôi CP Việt Nam (CPV).
Nếu như Vissan nổi tiếng với xúc xích tiệt trùng thì Đức Việt lại chiếm ưu thế trong phân khúc xúc xích tươi. Nếu biết tận dụng điều này, Đức Việt có thể gia tăng miếng bánh thị phần của mình trong thời gian tới bởi người tiêu dùng Việt Nam đang dần chuyển sở thích từ xúc xích tiệt trùng sang xúc xích tươi. Điều này được đánh giá là hoàn toàn phù hợp với xu thế phát triển chung tại nhiều nước trên thế giới.
Trong khi đó, với lợi thế là doanh nghiệp lớn ngành chăn nuôi, CPV lại hoàn toàn chủ động ở khâu nguyên liệu đầu vào. Các sản phẩm của CPV được sản xuất theo quy trình khép kín cùng tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng. Ngoài ra, với kinh nghiệm hơn 20 năm đầu tư và kinh doanh thành công tại Việt Nam, doanh nghiệp này chắc chắn là đối thủ đáng gờm của Vissan, Đức Việt cũng như các thương hiệu khác.
Chạy đua theo mô hình “Từ trang trại đến bàn ăn”
CPV được xem như công ty tiên phong trong việc xây dựng chuỗi mô hình sạch khép kín “Từ trang trại đến bàn ăn” tại Việt Nam.
Hiện, doanh nghiệp này đã sở hữu 1 nhà máy sơ chế bắp làm nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi, 6 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi gia súc – gia cầm và 3 nhà máy sản xuất thức ăn thủy sản với tổng công suất hàng năm 3,8 triệu tấn. Các nhà máy chế biến thực phẩm (thịt và thủy sản) chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế cũng được CPV đầu tư xây dựng tại các địa bàn Đồng Nai, Hà Nội, Bến Tre và Thừa Thiên – Huế.
Tập đoàn Dabaco Việt Nam đang theo đuổi mô hình 3F. Nguồn: Dabaco
Sau CPV, nhiều doanh nghiệp sản xuất xúc xích khác tại Việt Nam cũng mạnh tay theo đuổi mô hình này. Áp dụng công thức 3F, Tập đoàn Dabaco Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển từ mảng sản xuất giống gia súc, gia cầm (Farm) đến thức ăn chăn nuôi (Feed) và cả chế biến thực phẩm (Food).
Nhằm hoàn thiện mô hình “Từ trang trại đến bàn ăn”, đầu năm 2015, Masan cũng đã mua lại Saigon Nutri Food, một công ty chuyên sản xuất xúc xích, đồ hộp và chả giò snack ăn liền.
Không nằm ngoài xu thế, Vissan sớm thể hiện quyết tâm xây dựng một quy trình khép kín, có thể kiểm soát chặt chẽ chất lượng từ khâu nguyên liệu đầu vào đến sản phẩm đầu ra cuối cùng. Doanh nghiệp này đang xây dựng dự án Cụm công nghiệp chế biến thực phẩm trên diện tích 22,4 ha tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An với tổng vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng. Theo Vissan, nhà máy được xây dựng khép kín liên hoàn, kết nối chặt chẽ các khâu giết mổ, chế biến, đóng gói, sản xuất bao bì thực phẩm…
Trong bối cảnh người tiêu dùng Việt đang hoang mang trước những thông tin về thực phẩm bẩn, việc hoàn thiện mô hình 3F sẽ giúp các doanh nghiệp có được lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ. Bởi người tiêu dùng có xu hướng tìm kiếm những sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và đáp ứng các tiêu chuẩn về phát triển vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tuy nhiên, để phát triển theo mô hình 3F đòi hỏi các doanh nghiệp phải có tiềm lực tài chính mạnh, cơ sở hạ tầng tốt cùng hệ thống phân phối rộng. Vì vậy, đến nay, nó vẫn đang là cuộc chơi của các ‘ông lớn’ trên thị trường.
Đặc biệt, tới đây, khi hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực, nhiều doanh nghiệp ngoại sẽ không bỏ lỡ cơ hội tấn công vào thị trường thực phẩm đầy tiềm năng của Việt Nam. Và cuộc chiến xúc xích hứa hẹn sẽ còn khốc liệt gấp nhiều lần so với thời điểm hiện tại.
Theo Linh Lam
Người đồng hành