Sáng nay 24/3, Vissan đã tổ chức buổi chào bán đấu giá 11,33 triệu cổ phần, tương đương 14% vốn điều lệ cho nhà đầu tư chiến lược.
Kết quả phiên đấu giá cho thấy, Anco đã vượt qua Proconco và Tập đoàn CJ CheilJedang, trở thành nhà đầu tư chiến lược của Vissan với mức đấu giá cao nhất là 126.000 đồng/cp, tương đương với khoảng 1.427 tỷ đồng.
Mặc dù Proconco đấu giá thất bại nhưng việc Anco mua được 11,33 triệu cổ phần đã giúp cho Tập đoàn Masan thành công trong cuộc thâu tóm Vissan. Đơn giản bởi, Proconco là một công ty con cũng thuộc MNS.
Đến chiều nay, 24/3, Công ty CP Masan Nutri-Science (MNS), một thành viên của Tập đoàn Masan phát đi thông cáo công bố quan hệ đối tác chiến lược vừa được thành lập giữa Anco với Vissan.
Theo MNS, việc Anco được quyền mua 14% cổ phần của Vissan với mức giá 126.000 đồng mỗi cổ phiếu đã giúp đơn vị này tiếp cận mô hình kênh phân phối hiện đại hàng đầu của Vissan trong ngành hàng thịt trị giá 18 tỷ USD của Việt Nam.
Xét về chuỗi giá trị tổng thể, chi phí đầu tư của Masan để phát triển nền tảng 3F (Feed – Farm – Food) hàng đầu Việt Nam tương đương với mức 12 lần lợi nhuận, một mức hợp lý dành cho nền tảng hàng tiêu dùng, cơ hội tăng trưởng cao và tiềm năng nâng cao lợi nhuận.
Kết quả phiên đấu giá này là niềm vui của Masan nhưng lại là nỗi buồn của CJ.
Bởi với mức giá mà Tập đoàn CJ CheilJedang bỏ ra 120.000 đồng/cp chỉ thấp hơn 6.000 đồng so với mức giá của Masan bỏ ra (126.000 đồng/cp). Trong khi đó, CJ không thiếu tiền để trở thành cổ đông chiến lược của Vissan.
Và bên cạnh việc hi vọng có thể mua thêm phần vốn nhà nước bán ra ở các lần sau sau khi trở thành cổ đông chiến lược của Vissan, thị trường thịt 18 tỷ USD của Việt Nam cũng tuột khỏi tầm tay CJ.
Ông Danny Lê, Giám đốc Phát triển Kinh doanh của Tập đoàn Masan và Tổng Giám đốc của Masan Nutri-Science nhấn mạnh đây là một bước quan trọng để thay đổi toàn diện và thúc đẩy sự phát triển của ngành cung ứng đạm động vật của Việt Nam thông qua hoạt động phát triển thương hiệu, hệ thống phân phối và áp dụng các phương pháp quản lý tốt nhất trong ngành.
"Chúng tôi cam kết nâng cao năng suất của ngành đạm động vật hướng đến các tiêu chuẩn quốc tế. Mô hình kinh doanh của chúng tôi đang thay đổi nhanh chóng từ B2B (doanh nghiệp cung cấp cho doanh nghiệp) sang B2C (doanh nghiệp phục vụ người tiêu dùng) với nền tảng là các thương hiệu mạnh tạo ra giá trị lớn.”, ông Danny Lê nói.
Theo An Nhiên
Trí thức trẻ/CafeBiz