Ngày 19/8, HĐQT CTCP Đầu tư Thế giới Di động (mã chứng khoán: MWG) đã thông qua quyết định giải thể CTCP Thế Giới Số Trần Anh - chủ chuỗi điện máy Trần Anh. Nguyên nhân giải thể là do Thế Giới Di Động muốn tái cơ cấu công ty con nhằm tối ưu việc vận hành.
Thế Giới Số Trần Anh là công ty hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ điện máy. Đây từng là nhà phân phối hàng đầu trong lĩnh vực thiết bị tin học và điện máy tại thị trường miền Bắc. Giai đoạn 2007-2017, doanh thu của công ty này tăng trưởng dần đều và đạt mức kỷ lục hơn 4.000 tỷ đồng vào năm 2016.
Tháng 1/2018, MWG mua lại 99,3% vốn của Trần Anh, với hệ thống hơn 30 siêu thị. Sau đó, Trần Anh chuyển đổi mô hình kinh doanh sang hình thức hợp tác với Thế giới Di động, thông qua việc ghi nhận doanh thu là cho thuê mặt bằng, văn phòng, tài sản và thương hiệu. Hàng tồn kho không còn được ghi nhận và tài sản chủ yếu là tiền gửi tại ngân hàng để lấy lãi hằng năm.
Từ năm 2019 đến năm 2022 - năm cuối cùng công bố báo cáo tài chính, công ty chỉ thu khoảng hơn 100 tỷ đồng từ việc bán hàng, chi phí bán hàng và quản lý về 0. Lợi nhuận của doanh nghiệp chủ yếu đến từ hoạt động tài chính với hơn chục tỷ đồng mỗi năm.
Thế giới số Trần Anh từng niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) từ năm 2010 với mã TAG nhưng đến năm 2018 thì bị hủy niêm yết. Sau đó, TAG được chuyển sang giao dịch trên UPCoM, rồi bị hủy tư cách công ty đại chúng từ tháng 10/2022 do cơ cấu cổ đông không đáp ứng quy định của pháp luật.
Như vậy, có thể thấy MWG mua lại chuỗi điện máy Trần Anh đa phần vì muốn lấy mặt bằng và thị phần, không nhằm mục đích duy trì thương hiệu.
Tại buổi họp NĐT quý 2/2024, ông Vũ Đăng Linh, Giám đốc Tài chính cho biết MWG đã cơ bản hoàn tất việc đóng các cửa hàng Thế giới Di động và Điện Máy Xanh vào cuối tháng 6 vừa qua.
Đại diện MWG cũng có những chia sẻ chi tiết hơn về quá trình tái cấu trúc hệ thống các chuỗi Thế giới Di động và Điện Máy Xanh bao gồm 3 hoạt động:
Thứ nhất, về việc đóng cửa các cửa hàng hoạt động không hiệu quả, đây là các cửa hàng có doanh thu không đạt kỳ vọng hoặc chi phí phát sinh quá cao. Đặc biệt một khi đóng cửa hàng, thì khả năng cao luồng khách hàng sẽ không mất đi mà chuyển qua các cửa hàng lân cận. Công việc rà soát đã được tiến hành từ quý 4 năm trước tới những tháng đầu năm nay.
Thứ hai liên quan tới hoạt động tinh gọn đội ngũ nhân sự. Và cuối cùng là việc tái cấu trúc chính sách lương và khoán, giúp nhân viên chủ động và năng động hơn, đi cùng với chính sách "quản lý làm chủ tại mỗi cửa hàng".
"Số lượng cửa hàng sẽ được điều chỉnh tuỳ theo từng thời điểm. Nếu thị trường phát triển mạnh và cơ hội mở ra nhiều, chúng tôi sẽ tập trung cho việc mở rộng quy mô nhằm tăng doanh thu và chiếm thị phần lớn hơn. Tuy nhiên trong bối cảnh thị trường khó khăn như hiện tại, MWG tập trung nhiều hơn vào "chất" của mỗi cửa hàng", ông Linh cho biết.
Mặt khác, về việc sắp xếp nhân sự khi các cửa hàng bị đóng, lãnh đạo MWG cho biết không có kế hoạch tuyển mới nhân sự và ưu tiên tái sử dụng lại nhân sự của các cửa hàng đã đóng cửa.
Trọng Hiếu
An ninh tiền tệ