Ngày 28/7 tới đây, CTCP Đầu tư Thế Giới Di Dộng (mã MWG) sẽ chốt danh sách cổ đông thực hiện chi trả cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt với tỷ lệ 5% (01 cổ phiếu sẽ nhận về 500 đồng). Thời gian thanh toán dự kiến vào ngày 10/8.
5% là tỷ lệ chia cổ tức bằng tiền thấp nhất của MWG kể từ khi lên sàn, bằng với năm 2020. Năm 2021, doanh nghiệp này chia cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 10% còn giai đoạn trước tỷ lệ này thường xuyên duy trì ở mức 15%. Nếu chỉ nhìn vào tỷ lệ chia cổ tức, không bất ngờ khi rất nhiều nhà đầu tư cho rằng chính sách cổ tức của MWG đang đi lùi.
Thực tế có phải như vậy?
Với 1,46 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, MWG dự kiến sẽ chi khoảng 732 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông. Đây là số tiền cổ tức cho một năm cao nhất mà MWG từng chi ra kể từ khi lên sàn, tương đương với năm 2021 trước đó. Vậy vì sao tỷ lệ chia cổ tức thấp kỷ lục nhưng số tiền chi ra lại cao nhất?
Cần phải lưu ý rằng tỷ lệ cổ tức được tính trên số lượng cổ phiếu lưu hành của doanh nghiệp. Trong năm 2021, ngoài cổ tức bằng tiền, MWG còn thưởng cổ phiếu với tỷ lệ 1:1 qua đó nâng vốn điều lệ gấp đôi từ 7.300 tỷ đồng lên hơn 14.600 tỷ đồng, tương ứng số cổ phiếu lưu hành tăng gấp đôi. Những năm trước dù tỷ lệ chia cao nhưng lượng cổ phiếu thấp hơn nhiều so với hiện tại, do đó số tiền MWG chi trả cổ tức cũng thấp hơn so với năm 2022.
Dù số tiền chi trả tương đương với năm 2021 nhưng ở một khía cạnh nào đó MWG lại có phần “thoáng tay” hơn trong chính sách cổ tức 2022. Tỷ lệ cổ tức bằng tiền/lợi nhuận ròng năm 2022 là 18%, cao nhất trong vòng 4 năm. Điều này một phần xuất phát từ việc doanh nghiệp này lần đầu tăng trưởng âm kể từ khi niêm yết.
Năm 2022 là một năm đầy khó khăn với các doanh nghiệp bán lẻ nói chung và MWG cũng không phải ngoại lệ. Doanh nghiệp này lãi ròng 4.102 tỷ đồng, giảm 16% so với năm trước và không hoàn thành kế hoạch khi chỉ thực hiện 65% mục tiêu lợi nhuận đề ra. Điều này khiến chính sách ESOP rất được Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đức Tài tâm đắc đành phải gián đoạn.
Ngắn hạn nhiều thách thức
Nhận định tình hình còn nhiều khó khăn, MWG lên kế hoạch 2023 khá thận trọng với mục tiêu doanh thu đạt 135.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 4.200 tỷ đồng, chỉ tăng nhẹ lần lượt 1% và 2% so với thực hiện năm ngoái.
Lũy kế 5 tháng đầu năm, MWG ghi nhận doanh thu đạt 47.144 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ, thực hiện được 35% kế hoạch doanh thu năm. Doanh nghiệp đã nhiều tháng “giấu” lợi nhuận và không loại trừ khả năng số liệu không như mong đợi do đang phải “căng mình” với cuộc đua giá rẻ chưa có hồi kết.
Đánh giá về tình hình kinh doanh của MWG, BVSC cho rằng ngắn hạn còn nhiều thách thức và quá trình hồi phục sẽ kéo dài. Kết quả kinh doanh các quý còn lại có thể cải thiện so với quý 1 nhưng tiếp tục yếu hơn so với cùng kỳ. BVSC dự báo lợi nhuận ròng năm 2023 của MWG giảm mạnh 70% so với năm ngoái, xuống còn 1.231 tỷ đồng.
Với kỳ vọng bối cảnh vĩ mô và tâm lý người tiêu dùng cải thiện, BVSC kỳ vọng kết quả kinh doanh của MWG sẽ phục hồi đáng kể sau khi kết thúc năm 2023 nhiều thách thức. CTCK này dự báo lợi nhuận ròng 2024-2025 lần lượt đạt 2.857 tỷ và 3.839 tỷ, tương đương 2019 nhưng vẫn thấp hơn mức đỉnh năm 2021-22.
Mặt khác, Bách Hoá Xanh (BHX) có thể là điểm sáng trong bức tranh kinh doanh của MWG. Các yếu tố vĩ mô cải thiện sẽ tạo ra tín hiệu tốt cho tâm lý người tiêu dùng, nới lỏng chi tiêu và hướng tới các mặt hàng thiết yếu cao cấp hơn. Trong tương lai xa hơn, người tiêu dùng cũng có thể chuyển từ các kênh truyền thống sang các cửa hàng bách hóa.
Theo BVSC, điều này giúp cải thiện lượt khách tới cửa hàng, giá trị đơn hàng trung bình và biên lợi nhuận – là chìa hóa hướng tới điểm hòa vốn cho BXH. Cùng với những nỗ lực khác (giảm lãng phí và sáng kiến tiết kiệm chi phí hậu cần), CTCK này tin rằng lỗ của BHX sẽ được thu hẹp, đây thực sự là động lực chính của MWG trong vài năm tới.
Hà Linh
Nhịp Sống Thị Trường