Mới đây, Bách Hoá Xanh vừa có ký kết chiến lược với Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú (được mệnh danh là ‘vua tôm’, mã chứng khoán MPC) để bán tôm theo tiêu chuẩn xuất khẩu cho thị trường nội địa.
Theo biên bản ký kết, thì Minh Phú sẽ cung cấp tôm cho Bách Hoá Xanh với chất lượng đạt chuẩn xuất khẩu Nhật, Mỹ và EU, được nuôi trong môi trường không kháng sinh, không hoá chất của Minh Phú.
Năm 2024 Bách Hoá Xanh dự thu mua 3.000 tấn tôm Minh Phú, doanh thu 500 tỷ đồng
Về phía Bách Hoá Xanh, đại diện Công ty cũng cho biết dù bán tôm đạt chuẩn xuất khẩu nhưng chủ trương của chuỗi là giá sẽ ngang giá chợ, tương ứng khoảng 168.000 VND/kg. Đại diện chuỗi cũng chia sẻ, 6 tháng vừa qua tổng thu mua giữa hai bên là 1.300 tấn, doanh thu bán hàng thu về hơn 220 tỷ. Sau ký kết chiến lược lần này, kế hoạch năm 2024 Bách Hoá Xanh sẽ nhập 3.000 tấn tôm từ Minh Phú, doanh thu bán hàng dự kiến 500 tỷ đồng.
“Bách Hoá Xanh năm nay chú trọng đẩy mạnh chất lượng an toàn, hàng tươi thật ngon. Với hàng tôm, Minh Phú là một trong lựa chọn uy tín hỗ trợ. Công ty không chỉ cung cấp hàng mà còn đào tạo Bách Hoá Xanh cách bảo quản sản phẩm…”, ông Phạm Văn Trọng, Tổng Giám đốc Bách Hoá Xanh, nói thêm.
Về Minh Phú, Công ty được biết đến là nhà nuôi trồng xuất khẩu tôm lớn của Việt Nam. Thông qua ký kết chiến lược lần này, Minh Phú cũng cho biết sắp tới sẽ khai thác mạnh trở lại thị trường nội địa, đưa tổng tỷ trọng/doanh thu từ mức 1% hiện tại phục hồi lên 5-10%.
Tuyên bố này của Minh Phú gây chú ý, bởi Công ty trước giờ chú trọng xuất khẩu. Và động thái này cũng diễn ra trong bối cảnh xuất khẩu năm qua khó khăn, đặc biệt đối mặt với “đối thủ” là tôm của Ấn Độ và Ecuador có giá thành rất thấp.
Tình hình kinh doanh của Minh Phú cũng thể hiện thời thế, năm 2023 Minh Phú lỗ sau thuế 105 tỷ, trong khi cùng kỳ lãi 839 tỷ đồng. Đây cũng là lần đầu sau 8 năm Công ty báo lỗ.
Mất thị phần do giá bán Minh Phú cao hơn 20-30% đối thủ nội địa
Trả lời về điều này, ông Lê Văn Quang – Tổng Giám đốc Minh Phú – cho biết: “Thực tế, cách đây hơn 15 năm thì Minh Phú bán thị trường nội địa mạnh. Vì hồi đó tiêu chuẩn kiểm tra chất lượng sản phẩm các nước còn dễ. Sau đó, khách hàng như Nhật, châu Âu, Mỹ siết lại tiêu chuẩn, ví dụ tiêu chuẩn kiềm kháng sinh là không được có kháng sinh trong sản phẩm tồn, bắt buột Minh Phú phải siết lại, kiểm soát từ khâu thu mua giám sát thu hoạch và vận chuyển về nhà máy.
Hệ quả, giá thành đội cao lên.
Trong khi lúc đó ở Việt nam xảy ra tình trạng tôm nhiễm kháng sinh nhiều, có nhiều đối tượng gian dối còn làm tôm ngâm, tôm tiêm chích… khiến giá bán tôm Minh Phú bất giờ cao hơn 20-30% các đối thủ khác, dẫn đến thị phần Minh Phú giảm”.
Hôm nay, Minh Phú theo ông Quang tự tin quay về thị trường nội địa do đã nghiên cứu được công nghệ mới, nên có thể vừa đạt chất lượng và hạ giá thành phải chăng. Chưa kể, Minh Phú cũng có tham vọng là hạ giá tôm trong nước xuống.
Tri Túc
Nhịp sống thị trường