Quý 3 vừa qua là giai đoạn tương đối khó khăn đối với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, bán lẻ các ngành hàng không thiết yếu. Kinh tế toàn cầu ảm đạm, sức mua trong nước suy yếu khiến doanh thu trên nhiều mặt hàng từ sữa, bia, yến sào đến điện thoại, máy giặt, trang sức, ô tô,… sụt giảm thấy rõ so với cùng kỳ năm ngoái.
Đầu tiên phải kể đến nhóm các thiết bị điện tử, công nghệ (ICT) và đồ gia dụng (CE), sức mua yếu trong bối cảnh thu nhập bị ảnh hưởng đẩy Thế Giới Di Động (MWG) , FPT Retail (FRT) ,… vào cuộc chiến giá rẻ nhằm kích cầu. Mặc dù lấy được thị phần từ tay các chuỗi bán lẻ nhỏ hơn nhưng doanh thu của 2 “đại gia” bán lẻ cũng bị ảnh hưởng đáng kể.
Quý 3/2023, doanh thu chuỗi FPT Shop của FPT Retail giảm gần 21% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn khoảng 4.100 tỷ đồng. Tương tự, tổng doanh thu 2 chuỗi Thế Giới Di Động/Điện Máy Xanh (TGDĐ/ĐMX) của MWG cũng sụt giảm 14% so với cùng kỳ năm 2022, xuống mức 20.800 tỷ đồng.
Do đó, những mặt hàng thiết yếu như thuốc và thực phẩm đang trở thành cứu cánh với 2 nhà bản lẻ này. FPT Retail vẫn ghi nhận doanh thu tăng trưởng dương so với cùng kỳ nhờ chuỗi nhà thuốc Long Châu tăng trưởng cao, đến 60%. Ngược lại, doanh thu của Bách Hoá Xanh (BHX) cũng tăng trên 21% so với cùng kỳ nhưng chưa đủ bù đắp cho sự sụt giảm ở mảng ICT&CE cho MWG.
“Ông lớn” ngành sữa Vinamilk (VNM) cũng gặp khó trong quý 3 vừa qua với doanh thu giảm nhẹ gần 3% so với cùng kỳ 2022 xuống mức 15.600 tỷ đồng. Dù vậy, đây vẫn là mức doanh thu cao nhất trong vòng 4 quý và là tín hiệu lạc quan sau khi Vinamilk chính thức cho ra mắt bộ nhận diện thương hiệu mới hồi đầu tháng 7.
Cũng không mấy khả quan, “đại gia” ngành bia Sabeco (SAB) đạt 7.400 tỷ đồng doanh thu trong quý 3/2023, giảm 14% so với cùng kỳ năm trước. Từng đứng top 1 về tiêu thụ bia tại Đông Nam Á năm 2019, ngành bia Việt Nam đang phải đối mặt với không ít thách thức sau Nghị định 100 và và khó khăn của nền kinh tế ảnh hưởng đến thu nhập người tiêu dùng.
Ngành bia có thể khó thêm khó nếu việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt được thông qua. “Ngành công nghiệp đồ uống của Việt Nam hiện đang trong giai đoạn rất khó khăn. Doanh số bán bia giảm 10-20% và giá nguyên vật liệu tăng đến 50%. Hiệp hội đã đề nghị Chính phủ trì hoãn việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống” - Chủ tịch Hiệp hội Nước giải khát Bia Rượu Việt Nam.
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhu cầu tiêu thụ yến sào - một loại sản phẩm khá đắt đỏ cũng không tránh khỏi bị ảnh hưởng. Doanh thu quý 3 của Yến sào Khánh Hoà (SKV) - đơn vị chuyên sản xuất các sản phẩm yến sào mang thương hiệu Sanvinest, Sanest ghi nhận mức giảm gần 28% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 419 tỷ đồng. Dù vậy, mặt hàng này đang được kỳ vọng lớn đến từ việc xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc.
Một mặt hàng thậm chí còn xa xỉ hơn là vàng, trang sức đương nhiên không tránh khỏi tác động từ sự suy giảm thu nhập của người tiêu dùng. Đơn vị kinh doanh vàng, bạc, đá quý, trang sức lớn nhất trên sàn chứng khoán là Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) cũng ghi nhận doanh thu giảm 6% so với cùng kỳ năm trước, còn hơn 6.900 tỷ đồng.
Tương tự, tiêu thụ ô tô cũng ảm đạm, đặc biệt là lớp xe sang khi người tiêu dùng có xu hướng chờ đợi những tín hiệu tích cực hơn của nền kinh tế. Nhà phân phối xe sang Mercedes Benz lớn nhất tại Việt Nam là Haxaco (HAX) đạt hơn 1.100 tỷ đồng doanh thu trong quý 3/2023, giảm đến 43% so với cùng kỳ năm ngoái.
Khó khăn trong quý vừa qua là điều có thể dễ dàng nhận thấy. Dù vậy, triển vọng phục hồi đối với các ngành hàng tiêu dùng trên trong quý 4 cũng như năm 2024 vẫn tương đối lạc quan. Lạm phát ổn định và mặt bằng lãi suất thấp đủ lâu có thể sẽ kích thích nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng vào mùa cao điểm cuối năm. Đồng thời, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, bán lẻ hàng tiêu dùng có thêm nguồn lực dồn cho các chương trình khuyến mãi, kích cầu thời gian tới.
Hà Linh
Nhịp Sống Thị Trường