Trước lo ngại về nguồn cung khan hiếm đè nặng lên an ninh lương thực toàn cầu, giá đường đã tăng vọt lên mức cao nhất trong vòng hơn một thập kỷ. Theo dữ liệu từ Trading Economics, giá đường thô thế giới ghi nhận nhịp tăng "thẳng đứng" từ giữa tháng 3 lên mức 24,5 USD/lbs.
Thậm chí, trong đà tăng đó có thời điểm giá đường còn đạt xấp xỉ 27 USD/lbs, cao nhất kể từ năm 2012. Dù điều chỉnh nhẹ sau đó, giá đường vẫn neo gần đỉnh cùng mức tăng gần 30% trong chưa đầy 4 tháng.
Với việc mía đường tăng cao, các doanh nghiệp trong ngành này đã là những công ty được hưởng lợi đầu tiên. Sau khi ghi nhận sự tăng trưởng trong quý đầu niên độ 2022-2023, lợi nhuận của loạt doanh nghiệp đường mía như Mía đường Sơn La (mã chứng khoán: SLS) hay Đường Kon Tum (mã chứng khoán: KTS) đã đạt đỉnh mới nhờ bối cảnh thuận lợi của ngành.
CTCP Đường Kon Tum ghi nhận doanh thu hơn 288 tỷ đồng, gấp 6 lần cùng kỳ năm trước. Khấu trừ chi phí, lợi nhuận sau thuế cũng gấp 7 lần lên gần 24 tỷ đồng.
Đường Kon Tum thường xuyên duy trì lợi nhuận khá khiêm tốn dưới 4 tỷ đồng mỗi quý, song từ quý 3 NĐTC 2022-2023, doanh nghiệp này đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ nhờ sản lượng đường tiêu thụ tăng cao. Đến quý 4 niên độ này lợi nhuận của doanh nghiệp đã đạt đỉnh mới trong lịch sử hoạt động.
Lũy kế cả NĐTC 2022-23, doanh thu thuần và lãi sau thuế của Đường Kon Tum ghi nhận lần lượt 547,7 tỷ đồng và 38,2 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 210% về doanh thu và 375% về lãi sau thuế.
Mía đường Sơn La cũng tiếp đà khởi sắc khi có lần đầu tiên báo lãi trên 200 tỷ đồng trên một quý, tương ứng với mức 224 tỷ đồng, gấp 3,5 lần cùng kỳ.
Đây cũng là mức lãi kỷ lục mà doanh nghiệp đạt được trong 1 quý kể từ khi đi vào hoạt động. Doanh thu bán hàng gấp 2 lần cùng kỳ lên 550 tỷ đồng là một trong những nguyên nhân giúp lợi nhuận SLS tăng trưởng mạnh mẽ.
Lũy kế cả NĐTC 2022-23, doanh thu thuần của Mía đường Sơn La ghi nhận 1676 tỷ đồng và lãi ròng đạt hơn 523 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 93% và 180% so với cùng kỳ. EPS cả niên độ đạt 53.423 đồng.
Ngay sau thông tin lợi nhuận đạt đỉnh, loạt cổ phiếu của các doanh nghiệp mía đường cũng tăng "phi mã" trong phiên giao dịch ngày 21/7. Trong đó nổi bật phải kể đến cổ phiếu SLS của Mía đường Sơn La và KTS của Đường Kon Tum khi hai mã này đã tăng hết biên độ 10% trên sàn HNX.
Cổ phiếu CBS của Mía đường Cao Bằng cũng tăng 12,2% trên sàn UPCoM. Hai cổ phiếu đầu ngành là SBT và QNS cũng tăng lần lượt 1,8% và 1,9%.
Theo SSI Research, giá đường trong nước bắt đầu tăng nhờ ảnh hưởng giá đường thế giới. Trong tháng 5/2023, giá đường trong nước tăng lên 20.000 đồng/kg (tăng 10% so với đầu năm, và tăng 12% so với cùng kỳ), sau khi hầu như không thay đổi trong suốt quý 1/2023 ở mức khoảng 18.000 đồng/kg.
Theo USDA, mức tiêu thụ đường nội địa của Việt Nam sẽ ổn định trong khoảng 2,3-2,4 triệu tấn/năm. Theo VSSA, sản lượng đường trong nước dự kiến đạt 87.000 tấn tăng 16,6% cho niên độ 2022/2023. Đơn vị phân tích này dự báo giá đường trong nước nhiều khả năng sẽ duy trì ở mức cao và đi cùng pha với giá đường thế giới trong năm 2023 do đường nhập khẩu chiếm 2/3 nguồn cung đường của Việt Nam.
Hiện tại, SSI Research cho rằng giá đường tinh luyện sẽ duy trì quanh mức 20.000 đồng/kg (tăng 12% svck) từ quý 2/2023. Ngoài ra, đơn vị này kỳ vọng Bộ Công Thương sẽ nâng lượng đường nhập khẩu tối đa theo hạn ngạch thuế quan năm 2023 để bổ sung nguồn cung đường trong nước, mang lại lợi ích cho các nhà máy đường tinh luyện trong nước nhập khẩu đường thô. Chúng tôi kỳ vọng giá đường trong nước tăng sẽ khuyến khích người nông dân quay trở lại trồng mía.
Các chính sách chống trợ cấp chống bán phá giá áp dụng đối với đường Thái Lan nhằm bảo vệ các doanh nghiệp sản xuất trong nước là yếu tố góp phần cải thiện dài hạn sản lượng đường trong nước và giá đường.
Như đã đề cập ở trên, Bộ Công Thương đã chính thức áp dụng biện pháp chống lẩn tránh thuế đối vớimặt hàng đường nguyên liệu xuất xứ Thái Lan, với tổng thuế suất là 47,64%. Sau khi triển khai, tổng lượng đường nhập khẩu chính ngạch vào Việt Nam giảm từ 1,7 triệu tấn trong năm 2021 xuống còn 1,2 triệu tấn trong năm 2022.
Giá đường tăng 8,7% so với tháng trước sau khi thực hiện. Theo VSSA, việc kiểm soát đường nhập lậu đã được cải thiện kể từ quý 2/2023 nhờ đẩy mạnh các hoạt động kiểm tra.
Ngoài ra, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường. Dự thảo Luật thuế TTĐB sửa đổi sẽ được trình Quốc hội trong tháng 5/2024. Tuy nhiên, SSI Research cho rằng thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ ít có tác động đến tiêu thụ đường trong nước.
Vì vậy, đơn vị này cho rằng cũng cho rằng kết quả kinh doanh của ngành sẽ diễn biến khả quan trong thời gian tới.
Trọng Hiếu
Nhịp sống thị trường