Ngày 17/7/2015, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an có thông báo chính thức trên Cổng thông tin điện tử của Bộ cho biết:
Căn cứ kết quả điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C46) đã khởi tố vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Dầu khí Toàn cầu (GP.Bank)”. Ngày 17/7/2015, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã tiến hành thực hiện quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối với 02 bị can là ông Tạ Bá Long (sinh năm 1955), Nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Dầu Khí Toàn Cầu (GP. Bank) và ông Đoàn Văn An, Nguyên Phó Chủ tịch HĐQT, Ngân hàng TMCP Dầu khí Toàn Cầu về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 165 Bộ luật Hình sự.
Trước đó, ngày 26/5/2015, Ngân hàng Nhà nước có thông báo về việc đình chỉ quyền và nghĩa vụ đối với cả ông Tạ Bá Long và ông Đoàn Văn An ở GP.Bank. Cùng với hai ông này còn có bà Tạ Thu Thủy, thành viên HĐQT cũng bị đình chỉ quyền và nghĩa vụ.
Ông Tạ Bá Long là Tiến sĩ khoa học, từng là chủ tịch của GP.Bank trong thời gian từ 2002 đến tháng 6/2015 – khi bị NHNN đình chỉ quyền và nghĩa vụ tại GP.Bank. Theo bản cáo bạch phát hành năm 2010 thì ông Tạ Bá Long sở hữu 4,9% vốn của GP.Bank tại thời điểm năm 2010 với 9,8 triệu cổ phần; Vợ ông Long sở hữu gần 4,3% vốn ngân hàng và con gái sở hữu hơn 4,1% vốn.
Cùng với GP.Bank, ông Tạ Bá Long còn là thành viên HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Tài chính Công đoàn Dầu khí (PVFI). Theo giới thiệu của công ty này thì với bề dày kinh nghiệm và thâm niên trong lĩnh vực tài chính tiền tệ và tài chính ngân hàng, Ông Tạ Bá Long đã có nhiều đóng góp quan trọng trong sự phát triển của PVFI.
Được biết, PVFI là đơn vị duy nhất đại diện cho CBNV của Tập đoàn Dầu khí (PVN) thực hiện đầu tư vào các dự án, các công ty cổ phần; đại diện quản lý phần vốn góp của Cán bộ CNV Tập đoàn tại các công ty cổ phần/dự án; đồng thời thực hiện đầu tư tài chính, cung cấp các loại hình dịch vụ liên quan đến doanh nghiệp và phát triển kinh doanh.
Ông Tạ Bá Long còn là chủ tịch HĐQT của Công ty Cổ phần Du lịch Thương mại và Đầu tư Thủ Đô - đơn vị sở hữu tòa nhà Capital Tower số 109 Trần Hưng Đạo Hà Nội. Công ty này có gần 10% vốn thuộc sở hữu của Công ty TNHH MTV Thăng Long GTC – hàng “hot” chuẩn bị bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) vào 13/8 tới đây.
Tòa nhà Capital Tower thuộc sở hữu của công ty nơi ông Tạ Bá Long làm chủ tịch
Ông Đoàn Văn An trong khi đó cũng ngồi trên ghế Phó chủ tịch Hội đồng quản trị GP.Bank trong 13 năm, từ 2002 đến 2015. Ngoài công tác ở GP.Bank, ông Đoàn Văn An còn được biết đến nhiều trong vai trò là chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của Công ty Cổ phần sân gôn Ngôi sao Chí Linh – ông Chủ của Sân gôn Ngôi sao Chí Linh.
Ở GP.Bank, ông Đoàn Văn An và người nhà là cổ đông lớn tại thời điểm năm 2010, trong đó riêng ông An sở hữu 4,65% vốn, ngân hàng, vợ và con trai sở hữu tổng cộng gần 4,3% nữa.
Theo thông báo của NHNN, năm 2012, qua thanh tra NHNN đã phát hiện GP.Bank bộc lộ nhiều yếu kém, tiềm ẩn nhiều rủi ro, kết quả kinh doanh thua lỗ, âm vốn chủ sở hữu và quản trị, điều hành ngân hàng kém hiệu quả. Trong hơn 3 năm qua, NHNN đã tạo mọi điều kiện tốt nhất để GP.Bank tìm kiếm đối tác, bao gồm cả nhà đầu tư trong và ngoài nước, xây dựng phương án tái cơ cấu khả thi để trình NHNN xem xét, chấp thuận phù hợp với quy định của pháp luật và Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD theo Đề án 254. Tuy nhiên, GP.Bank không đề xuất được phương án tái cơ cấu khả thi trong khi ngân hàng tiếp tục bộc lộ nhiều yếu kém, kinh doanh thua lỗ.
Để kiểm soát rủi ro, giảm thiểu tổn thất tài sản của ngân hàng và bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng, bảo vệ tiền gửi của nhân dân, NHNN quyết định đặt GP.Bank vào tình trạng kiểm soát đặc biệt theo quy định của pháp luật, đồng thời yêu cầu GP.Bank thuê tổ chức độc lập thực hiện kiểm toán và định giá tài sản để xác định giá trị thực của vốn điều lệ.
Căn cứ kết quả kiểm toán và định giá độc lập, NHNN đã yêu cầu GP.Bank tổ chức ĐHCĐ bất thường để thông qua phương án bổ sung vốn điều lệ , đảm bảo giá trị thực của vốn điều lệ không thấp hơn vốn pháp định. Tuy nhiên 3 lần tổ chức ĐHCĐ bất thường của GP.Bank đã không thành công, ngân hàng cũng không đề xuất được các giải pháp khả thi về tăng vốn điều lệ đảm bảo giá trị thực của vốn không thấp hơn vốn pháp định (3.000 tỷ đồng – PV) theo yêu cầu của NHNN.
NHNN cho biết, căn cứ quy định của Luật TCTD và quyết định 48/2013/QĐ-TTg ngày 1/8/2013 của Thủ tướng về việc góp vốn, mua cổ phần bắt buộc của TCTD được kiểm soát đặc biệt và chỉ đạo của Thủ tướng, NHNN đã ban hành Quyết định 1304/QĐ-NHNN ngày 7/7/2015 mua bắt buộc toàn bộ cổ phần của cổ đông hiện hữu tại GP.Bank với giá 0 đồng/cổ phần, chấm dứt toàn bộ quyền , lợi ích và tư cách cổ đông của các cổ đông hiện hữu của GP.Bank.