Cổ phiếu niêm yết ảm đạm
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 15/12, CP SHB chỉ còn 4.700 đồng/CP. So với đầu năm, CP này đã giảm 1.700 đồng, từ mức 6.400 đồng/CP, tương ứng giảm 26,56%. Đáng chú ý, trong năm qua, SHB chưa chi trả cổ tức nên mức giá trên phản ánh đúng hiện trạng giảm giá.
Một ông lớn nằm trong nhóm đầu ngành là Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (mã BID), diễn biến giá CP cũng không khả quan. Đầu năm, BID có mức giá 20.200 đồng/CP thì đến thời điểm này chỉ còn 15.000 đồng/CP. Trừ đi 850 đồng/CP do chi trả cổ tức thì tính từ đầu năm CP BID đã giảm hơn 4.000 đồng/CP, tương ứng giảm 21,53%. Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (mã CTG) cũng không tránh được tình trạng giảm giá. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 15/12/2016, CTG chỉ còn mức giá 14.850 đồng/CP, trong khi đầu năm có giá 18.300 đồng/CP. Mới đây, ngân hàng này đã chốt danh sách cổ đông lấy ý kiến về việc chi trả cổ tức năm 2015 bằng tiền. Thông tin tích cực cũng không giúp diễn biến giá CTG tích cực hơn.
Theo các nhà đầu tư, một trong nhiều nguyên nhân khiến CP ngân hàng niêm yết giảm mạnh, đặc biệt là trong quý IV là do nhà đầu tư nước ngoài bán ròng.
“Sóng sánh” cổ phiếu OTC
Trên thị trường chưa niêm yết, CP Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) được giao dịch xấp xỉ 20.000 đồng/CP. Theo thông tin của bộ phận môi giới của một công ty chứng khoán, ở thời điểm đầu năm, CP VIB thanh khoản rất yếu, đến đầu quý III xuất hiện giao dịch, giá tăng nhanh. VIB đạt mức giá như hiện nay một phần do thông tin ngân hàng lên sàn và kết quả kinh doanh khả quan. Điều quan trọng hơn là cơ cấu cổ đông rất tập trung, CP lưu hành tự do ít nên xảy ra tình trạng khan hàng. Theo phân tích của Công ty Chứng khoán HSC, room (tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài) của VIB gần như sẽ đầy ngay sau khi niêm yết.
Một CP khác tăng giá ấn tượng nhờ tin lên sàn là TCB của Techcombank. Trước thời điểm chốt danh sách lưu ký để niêm yết (cổ đông không được giao dịch trên thị trường tự do sau thời điểm này cho đến khi lên sàn), CP có giá 18.000 đồng/CP. Giá CP TCB neo ở mức cao một phần do lượng CP tự do lưu hành ít. CP Ngân hàng TMCP Tiên Phong cũng tăng đáng kể từ mức 5.000 đồng/CP vào tháng 7/2016 lên mức 7.000 đồng/CP như hiện nay. Kết quả kinh doanh cải thiện do Ngân hàng tích cực thực hiện các hoạt động tái cơ cấu nội bộ, phần nào được phản ánh vào giá CP.
CP ngân hàng trên thị trường OTC tăng giá, nhưng không diễn ra ồ ạt mà có sự phân hóa rõ nét. Một số CP ngân hàng không có giao dịch như Đông Á, SeaBank hoặc giao dịch ở mức giá khá thấp như Maritime Bank khoảng 3.000 đồng/CP.
Một trường hợp khá đặc biệt là CP Ngân hàng TMCP Xăng dầu (PGBank). Cuối năm 2015, giá CP này luôn bám sát giá CP Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam do giao dịch sáp nhập cộng ngang vốn điều lệ. Với tỷ lệ hoán đổi 1:0,9 (1 CP PGBank nhận 0,9 CP VietinBank), giá CP PGBank được đánh giá xấp xỉ giá CP CTG. Quý II/2016, PGBank và VietinBank dự kiến sẽ hoàn thành sáp nhập nhưng đến nay đã sắp hết quý IV giao dịch vẫn chưa diễn ra. Thời điểm chính thức sáp nhập không rõ ràng khiến CP PGBank giảm về xấp xỉ mệnh giá (10.000 đồng/CP).
CP ngân hàng trên thị trường OTC diễn ra sôi động, một số mã CP có sự tăng giá ấn tượng. Tuy nhiên, khi lên sàn tập trung, một số CP ngân hàng vốn “nóng” trên OTC có giữ được “phong độ”, cạnh tranh nổi với các ông lớn nhà băng khác hay không vẫn đang là ẩn số.
Theo Trâm Anh
Báo Đấu thầu