Trong gần 1 tháng qua, dịch bệnh đã được khống chế cũng là một thông tin tích cực ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán dù trên Thế giới vẫn nhiều bất ổn do dịch bệnh và chiến tranh thương mại.
Những cổ phiếu tăng giá mạnh từ đầu tháng 9
Soi TOP các cổ phiếu tăng giá mạnh nhất, DAP của CTCP Đông Á (Dopack) đạt mức tăng gấp 2,6 lần so với thời điểm đầu tháng, từ 14.500 đồng/cổ phiếu lên 37.900 đồng/cổ phiếu.
Diễn biến giá cổ phiếu DAP trong 1 tháng gần đây.
Đặc biệt trong 10 phiên giao dịch gần đây nhất, DAP đã có đến 7 phiên tăng trần. Tuy vậy thanh khoản cổ phiếu này rất "bèo bọt" với mấy trăm cổ phiếu khớp lệnh mỗi phiên.
DAP là doanh nghiệp chuyên sản xuất bao bì, giấy các loại. Doanh thu năm 2019 đạt 365 tỷ đồng, tăng 7,4% so với năm trước đó còn lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 8,8% lên 12,4 tỷ đồng. DAP là doanh nghiệp có EPS duy trì mức cao với 6.456 đồng năm 2019 và thậm chí đạt trên 7.000 một số năm trước đó.
Một cổ phiếu khác của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất bao bì cũng có giai đoạn tăng giá mạnh thời gian qua là MCP của CTCP In và Bao bì Mỹ Châu. Nếu chỉ xét từ đầu tháng 9 đến nay, cổ phiếu MCP đã tăng từ vùng giá 26.500 đồng/cổ phiếu lên 37.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng mức tăng gần 40%.
Tuy nhiên đà tăng của cổ phiếu MCP đã diễn ra trước đó, từ đầu tháng 8/2020. Lúc đó MCP đang duy trì quanh mức 14.800 đồng/cổ phiếu thì bất ngờ tăng mạnh. Nếu tính từ thời điểm này, đến nay sau hơn 1 tháng MCP đã tăng 150%.
Những cổ phiếu đột ngột tăng mạnh những phiên gần đây còn có UPC của CTCP Phát triển Công viên cây xanh và Đô thị Vũng Tàu. Đang duy trì giao dịch dưới mệnh giá một thời gian dài, bất ngờ 5 phiên gần đây UPC tăng mạnh với 3 phiên tăng trần, đưa giá cổ phiếu gấp đôi lên 18.400 đồng/cổ phiếu. Tuy vậy thanh khoản vẫn chỉ rất ít.
Diễn biến giá cổ phiếu UPC trong 1 tháng gần đây.
Một trong những cái tên khá nổi trên thị trường chứng khoán những ngày gần đây phải nhắc đến Bông Bạch Tuyết (BBT). Dù cổ phiếu này vẫn thuộc nhóm cổ phiếu thanh khoản thấp, nhưng thông tin Sài Gòn 3 Capital chào mua công khai nhằm nắm quyền tự quyết tại Bông Bạch Tuyết cũng khiến giá cổ phiếu này biến động mạnh.
Xét từ đầu tháng 9/2020 BBT đang giữ vùng giá 18.700 đồng/cổ phiếu, thì 10 phiên gần đây đã có đến 7 phiên tăng trần, hiện BBT đang giao dịch quanh mức 24.300 đồng/cổ phiếu, tăng 30% so với đầu tháng, trong đó có 5 phiên tăng trần liên tiếp.
Diễn biến giá cổ phiếu BBT trong 1 tháng gần đây.
Lùi lại thời điểm từ tháng 8, nhiều cổ phiếu tăng đột biến
Trong số những cổ phiếu tăng giá, cũng cần kể đến TEL của CTCP Công trình Viễn thông (Telcom). Trước thông tin VNPT hoàn tất thoái vốn, cổ phiếu TEL đã "phi" một mạnh từ mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu lên cao nhất ở mức 19.500 đồng/cổ phiếu chỉ trong vòng 6 phiên – và đó là câu chuyện của những ngày cuối tháng 8 và đầu tháng 9. Sau đó TEL không duy trì được vùng giá cao, đã giảm về mức 12.500 đồng/cổ phiếu như hiện nay. Tuy vậy, "nỗ lực" tăng giá của cổ phiếu TEL cũng rất đáng ghi nhận.
Diễn biến giá cổ phiếu UPC trong 3 tháng gần đây.
Cũng tính lùi thời gian về những ngày cuối tháng 8, sang đầu tháng 9 như TEL, cổ phiếu VGP của CTCP Cảng Rau Quả có 7 phiên tăng trần liên tiếp từ 26/8 đến 4/9/2020. Và những phiên tăng điểm vẫn tiếp diễn sau đó, trong những ngày của tháng 9. Hiện VGP giao dịch quanh mức 26.000 đồng/cổ phiếu, hơn gấp đôi so với thời điểm bắt đầu tăng giá cuối tháng 8.
Diễn biến giá cổ phiếu VGP trong 3 tháng gần đây.
Cũng tăng từ tháng 8, cổ phiếu SCI của CTCP SCI E&C được khá nhiều nhà đầu tư quan tâm khi thanh khoản khá lớn. SCI E&C là doanh nghiệp chuyên thi công xây lắp các công trình thủy điện, nhiệt điện mặt trời, hạ tầng kỹ thuật công nghiệp... 6 tháng đầu năm 2020 vừa qua dù doanh thu giảm hơn một nửa so với cùng kỳ, còn 436 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận trước thuế đạt hơn 83 tỷ đồng, vượt đến 48% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 67 tỷ đồng, tăng trưởng gần 67% so với nửa đầu năm ngoái. EPS đạt 5.517 đồng.
Những thông tin tích cực từ kết quả kinh doanh một phần tác động khiến giá cổ phiếu SCI tăng mạnh. SCI mở cửa phiên giao dịch ngày đầu tiên của tháng 8/2020 ở mức 38.900 đồng/cổ phiếu và nhanh chóng tăng mạnh, có lúc đã vượt ngưỡng, lên 82.000 đồng/cổ phiếu trước khi giảm về 71.800 đồng/cổ phiếu như hiện nay. Tuy vậy giá này vẫn tăng 85% so với thời điểm đầu tháng 8.
Diễn biến giá cổ phiếu SCI trong 3 tháng gần đây.
Trước ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, doanh nghiệp ngành du lịch như CTCP Đầu tư và Phát triển du lịch Vinaconex (VCR) đã phải đặt kế hoạch tăng trưởng âm với số lỗ cả năm dự kiến hơn 13 tỷ đồng trong khi không phát sinh doanh thu. Và kết quả, 6 tháng đầu năm 2020 công ty đã lỗ hơn 5 tỷ đồng, nằm trong dự kiến, nâng tổng lỗ lũy kế đến 30/6/2020 lên 220 tỷ đồng.
Tuy vậy trái ngược với kết quả kinh doanh thua lỗ, trên thị trường, từ đầu tháng 8 đến nay cổ phiếu VCR lại bất ngờ tăng mạnh. Từ dưới mệnh giá, ở mức 8.700 đồng/cổ phiếu, chỉ sau chưa đầy 2 tháng VCR đã tăng lên mức 24.500 đồng/cổ phiếu như hiện nay, tương ứng gần tăng gấp 3 lần.
Diễn biến giá cổ phiếu VCR trong 3 tháng gần đây.
Một trong những thông tin tích cực ảnh hưởng đến giá cổ phiếu VCR là việc Thành phố Hải Phòng vừa đồng ý chủ trương để Du lịch Vinaconex tiếp tục triển khai dự án Khu đô thị du lịch Cái Giá (Cát Bà Amatina) tại huyện Cát Hải. Đây được xem như là hành động "bật đèn xanh" cho Du lịch Vinaconex sau một thời gian dài tạm dừng.
Thay cho lời kết
Việc những mã cổ phiếu bất ngờ tăng/giảm mạnh cũng khiến các nhà đầu tư phải nghiên cứu sâu hơn về những tác động liên quan. Thông thường những yếu tố quyết định sự tăng/giảm đột ngột của giá cổ phiếu là kết quả kinh doanh, biến động của doanh nghiệp, những thông tin liên quan, hoặc thậm chí là cung/cầu của một cá nhân, tổ chức nào đó.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang bước vào giai đoạn tăng trưởng trở lại sau thời gian phục hồi sau ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19. Các nhà đầu tư cũng đang chú trọng tìm hiểu những doanh nghiệp, những mã cổ phiếu ổn định. Đây là thời điểm then chốt để các nhà đầu tư quyết định rót tiền vào thị trường.
Thái Phương