Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) dự kiến sẽ phát triển mới hơn 3 triệu thuê bao di động và 870 nghìn thuê bao băng rộng cố định trong năm nay.
Kết thúc năm 2017, VNPT ghi nhận lợi nhuận hợp nhất toàn Tập đoàn đạt hơn 5.000 tỷ đồng, tăng 21% so với 2016. Nói về kết quả này, ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch Tập đoàn từng tự hào chia sẻ đây là năm thứ 4 liên tiếp VNPT đạt mức tăng lợi nhuận trên 20%.
Song, bước sang năm 2018, VNPT chỉ đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất toàn Tập đoàn tăng 4% lên 57.880 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế tương ứng tăng chưa đến 15%, kỳ vọng đạt 5.760 tỷ đồng. Với chỉ tiêu trên, Tập đoàn dự kiến tổng nộp NSNN năm nay là 4.550 tỷ, tăng hơn 10% so với mức 4.116 tỷ năm 2017.
Được biết, năm 2018, theo ông Hùng sẽ là năm bản lề của VNPT để triển khai chiến lược phát triển giai đoạn 2018 - 2025, tầm nhìn 2030 của Tập đoàn, đồng thời thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất lao động, tăng trưởng lợi nhuận và năng lực cạnh tranh, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai có hiệu quả công tác cổ phần hoá công ty mẹ. Tổng vốn đầu tư theo kế hoạch là 12.892 tỷ đồng.
Liên quan đến VNPT, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2129/QĐ-TTg về việc phê duyệt Phương án cơ cấu lại Tập đoàn giai đoạn 2018-2020, đặt mục tiêu trở thành nhà cung cấp dịch vụ số đứng số 1 Việt Nam và trung tâm dịch vụ số của khu vực.
Theo đó đến cuối năm 2019, VNPT sẽ tiến hành IPO. Theo chủ trương đến nay, Nhà nước dự kiến tiếp tục nắm giữ 65% vốn chủ sở hữu, 35% còn lại sẽ được chào bán cho nhà đầu tư. Hiện tại Tập đoàn có nhiều doanh nghiệp hạch toán phụ thuộc, việc này có thể gây khó khăn cho quá trình thoái vốn.
Bảo An