Đối với tổng công ty VTC, sau khi cổ phần hóa, nhà nước sẽ nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ.
Theo quyết định sắp xếp doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2016-2020 vừa được Thủ tướng chính phủ ban hành, hai trong số 3 doanh nghiệp viễn thông lớn nhất nước là Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) và Tổng công ty Viễn thông Mobifone đều nằm trong danh sách sẽ được tiến hanh cổ phần hóa.
Sau cổ phần hóa, nhà nước sẽ nắm giữ từ 50% đến dưới 65% vốn điều lệ của 2 doanh nghiệp này – tương ứng sẽ bán ra bên ngoài tối thiểu 35% cổ phần.
Kế hoạch cổ phần hóa Mobifone đã được đề cập từ cách đây cả chục năm nhưng đã tiến triển rất chậm. Chính phủ đã quyết tâm cổ phần hóa Mobifone bằng đề án tái cơ cấu VNPT năm 2014, theo đó đưa Mobifone từ một doanh nghiệp trực thuộc VNPT thành một tổng công ty trực thuộc Bộ thông tin truyền thông.
Hiện tại đã có một số tập đoàn viễn thông nước ngoài bày tỏ ý định muốn trở thành cổ đông chiến lược của Mobifone như Singtel (Singapore), Telenor (Na Uy), Comvik (Thụy Điển) và Telstra (Australia)… Ngay cả VNPT cũng muốn sở hữu 20% cổ phần của Mobifone.
Cũng trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, nhà nước sẽ tiến hành cổ phần hóa và nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ của 5 doanh nghiệp khác gồm:
+ Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện VTC (Bộ Thông tin và Truyền thông)
+ Tổng công ty truyền hình Cáp Việt Nam - VTV cab (Đài Truyền hình Việt Nam)
+ Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ Truyền hình Viễn thông Việt Nam - VTV Broadcom (Đài Truyền hình Việt Nam)
+ Công ty TNHH một thành viên Điện ảnh Hà Nội
+ Tổng công ty Văn hóa Sài Gòn (Thành phố Hồ Chí Minh)
Trường An