CTCP VNG vừa công bố BCTC hợp nhất quý 1/2019 với doanh thu tăng mạnh hơn 5 lần lên 1.221 tỷ đồng. Giá vốn hàng bán tương ứng tăng 28%, lợi nhuận gộp theo đó chỉ còn tăng nhẹ 3% lên 632 tỷ đồng.
Mảng tài chính không có nhiều thay đổi, tương tự các khoản chi phí bán hàng, quản lý. Tính chung, VNG ghi nhận lãi ròng hơn 154 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ.
Tính đến ngày 31/3/2019, tổng tài sản VNG đạt hơn 5.557 tỷ đồng, trong đó khoản tiền và tương đương tiền khá dồi dào với 1.780,5 tỷ đồng (so với mức 833 tỷ đầu năm). Nợ phải trả giảm còn 908 tỷ, vốn chủ sở hữu vào mức 4.649 tỷ đồng. Hiện, Công ty đang có 1.943 tỷ giá trị cổ phiếu quỹ, với thặng dư vốn cổ phần 1.117 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lên đến 5.112 tỷ đồng.
Về VNG, Công ty đang kinh doanh nhiều dịch vụ như game online, quảng cáo trực tuyến, ứng dụng Zalo, thanh toán Zalo Pay... VNG cũng là một trong những cổ đông chủ chốt của trang thương mại điện tử Tiki.
Tính đến 31/3/2019, VNG đang đầu tư 28,88% vốn tại Tiki, 50% vốn tại All Best Asia Group Limited – ABA, 49% vốn tại Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Truyền thông Thanh Sơn… Quý đầu năm nay, khoản đầu tư tài chính ngắn hạn Công ty giảm 343 tỷ đồng về mức 1.322 tỷ đồng. Giá trị đầu tư tài chính dài hạn cũng giảm 62 tỷ về 200 tỷ đồng, trong đó đầu tư vào công ty liên kết giảm phân nửa giá trị chỉ còn 21 tỷ đồng.
Kết thúc năm 2018, doanh thu VNG đạt 4.317 tỷ đồng, tăng hơn 1% so với năm trước và chỉ bằng 86% so với kế hoạch năm là 5.000 tỷ đồng. Trong khi doanh thu đi ngang thì các chi phí của VNG lại tăng phi mã: Đáng kể nhất là chi phí bán hàng tăng vọt 764 tỷ lên 1.194 tỷ đồng và chi phí quản lý tăng từ 450 tỷ lên 567 tỷ đồng. Bên cạnh đó, lỗ từ công ty liên kết tăng gấp đôi từ 122 tỷ lên 243 tỷ đồng. Khoản lỗ này chủ yếu đến từ công ty thương mại điện tử Tiki với gần 254 tỷ đồng. Các yếu tố này dẫn đến lợi nhuận trước thuế sụt giảm tới 63% từ 1.158 tỷ xuống 433 tỷ đồng. VNG thậm chí đã lỗ trong quý 4.
Túc Mạch