Ngày 1/9/2015, SSI đã trở thành cổ phiếu đầu tiên trên thị trường chứng khoán Việt Nam nới giới hạn sở hữu ngoài lên trên mức 49%. Sự kiện này chưa tác động ngay lập tức tới cổ phiếu SSI cũng như thị trường, nhưng về lâu dài, khi có thêm nhiều cổ phiếu nữa được nới room thì đây sẽ là cơ hội rất lớn để gia tăng dòng vốn đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Theo số liệu của CafeF, sau hơn 15 năm song hành với thị trường, nhà đầu tư nước ngoài hiện đang sở hữu lượng cổ phiếu niêm yết trị giá hơn 280.000 tỷ đồng, tương đương 12,6 tỷ USD – chiếm ¼ tổng vốn hóa của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Hiện trên 90% giá trị đầu tư của khối ngoại được phân bổ vào sàn HoSE, tập trung vào một số ít cổ phiếu như Vinamilk, Vietcombank, Masan Group, Vingroup… Top 10 cổ phiếu được sở hữu nhiều nhất đã chiếm gần 2/3 tổng giá trị đầu tư của khối ngoại trên thị trường niêm yết, tương đương 176.000 tỷ đồng – còn lại hơn 100.000 tỷ phân bổ vào hơn 650 cổ phiếu còn lại.
Chỉ riêng Vinamilk đã chiếm tới 1/5 tổng giá trị đầu tư của khối ngoại trên thị trường chứng khoán Việt Nam, đạt hơn 59.000 tỷ đồng (2,6 tỷ USD). Mặc dù đã hết room từ lâu nhưng Vinamilk vẫn có sức hấp dẫn lớn, cổ phiếu này có mặt trong hàng danh mục của vài chục quỹ đầu tư lớn nhỏ.
Ngoài Vinamilk thì Vietcombank cùng Masan Group và Vietinbank là những cổ phiếu có giá trị nắm giữ của khối quanh ở quanh mức 1 tỷ USD.
Trong 10 cổ phiếu đang được khối ngoại nắm giữ nhiều nhất thì có 4 cổ phiếu đã hết room, gồm Vinamilk, FPT và 2 ngân hàng Vietinbank, ACB.
Lĩnh vực tài chính, bao gồm các ngân hàng, bảo hiểm và công ty chứng khoán là lĩnh vực thu hút dòng vốn ngoại nhiều nhất, chiếm 40% tổng giá trị đầu tư. Dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực này chủ yếu là các tổ chức tài chính nước ngoài tham gia với tư cách là cổ đông chiến lược nắm giữ trong thời gian dài.
Các tập đoàn tài chính Nhật Bản tỏ ra đặc biệt yêu thích việc trở thành cổ đông chiến lược của các tổ chức tài chính trong nước, với rất nhiều trường hợp như: Mizuho Bank (Vietcombank), BTMU (Vietinbank), Sumitomo Life (Bảo Việt), SMBC (Eximbank) và Daiwa Securities (SSI).
Hai lĩnh vực lớn khác thu hút dòng vốn ngoại là Hàng tiêu dùng (chiếm 23%) và Bất động sản-xây dựng-Vật liệu xây dựng (11%). Các ngành Y tế, Nông nghiệp và Công nghệ Viễn thông chiếm tỷ trọng nhỏ nhất, từ 2-3%.
Tại một số ngành như Hàng tiêu dùng và Công nghệ - viễn thông, chỉ riêng khoản đầu tư vào Vinamilk và FPT đã chiếm phần gần hết giá trị đầu tư vào cả ngành. Điều này cho thấy có nhiều ngành hấp dẫn nhưng khối ngoại có rất ít lựa chọn để đầu tư.
Thực tế vài năm trở lại đây không có nhiều hàng hóa có chất lượng được bổ sung cho thị trường. Việc Thế giới Di động chỉ sau một thời gian ngắn lên sàn đã cạn room cho thấy khối ngoại vẫn luôn săn đón những doanh nghiệp đầu ngành có triển vọng tăng trưởng cao.
10 khoản đầu tư lớn nhất của 1 tổ chức vào 1 cổ phiếu đơn lẻ
Cơ hội có thêm những dòng vốn mới
Các quỹ đầu tư nước ngoài đóng vai trò rất quan trọng đối với sự vận động của thị trường. Mỗi khi có dòng vốn lớn vào – ra đều tác động đáng kể với thị trường.
Bên cạnh những cái tên đã gắn bó lâu năm với thị trường như Dragon Capital, VinaCapital, DWS Vietnam Fund, các quỹ ETF có một vài cái tên mới nổi lên như Mutual Fund Elite (250 triệu USD) hay Halley Sicav - Halley Asian Prosperty (100 triệu USD).
Từ một quỹ chuyên đầu tư vào Thái Lan và Trung Quốc, hiện Mutual Fund Elite đã phân bổ gần 80% tài sản vào thị trường Việt Nam, với danh mục gồm trên 50 cổ phiếu lớn nhỏ.
Các quỹ đầu tư toàn cầu tập trung vào các thị trường biên (frontier market) và thị trường mới nổi (emerging market) đang dành sự quan tâm nhiều hơn với thị trường Việt Nam. Trong đó Templeton Franklin Investment và Wasatch Fund là những quỹ đã rót hàng trăm triệu USD vào thị trường.
Theo kỳ vọng của ông Andy Ho, giám đốc đầu tư VinaCapital, việc nới room là 1 trong những điều kiện quan trọng để các cổ phiếu Việt Nam được thêm vào MSCI Emerging Markets Index – chỉ số cơ sở của các quỹ đầu tư đang quản lý lượng vốn lên đến 1.400 tỷ USD. Khi đó sẽ có thêm hàng trăm triệu USD được các quỹ phân bổ cho thị trường Việt Nam.
Kiến Khang