Sau một ngày giao dịch có phần ảm đảm, thông tin khiến giới đầu tư chứng khoán quan tâm nhất là việc gần 18 triệu cổ phiếu Vinamilk đã được một quỹ ngoại chuyển nhượng cho nhà đầu tư khác với gía chuyển nhượng 2.340 tỷ đồng . Số cổ phiếu này được chia thành hai lệnh có khối lượng 12,2 triệu và 5,7 triệu cổ phiếu.
Câu hỏi được quan tâm nhất là ai đã bán ra số cổ phiếu trên cũng như ai đã mua vào? Theo thông tin sơ bộ chúng tôi có được thì bên bán là một quỹ ngoại lớn trên thị trường. Không loại trừ khả năng đây là giao dịch nội bộ giữa các quỹ trong cùng một công ty quản lý quỹ.
Theo số liệu thống kê của CafeF, có khoảng 13 nhà đầu tư hoặc nhóm nhà đầu tư nước ngoài sở hữu từ 5 triệu cổ phiếu Vinamilk trên lên. Số liệu này được thu thập tại nhiều khoảng thời gian khác nhau. Tổng cộng những nhà đầu tư nắm giữ hơn 300 triệu cổ phiếu, chiếm hơn 1/4 tổng số cổ phiếu của Vinamilk
Lượng cổ phiếu Vinamilk được giao dịch ngày 25/2 tương đương với lượng cổ phiếu mà quỹ VOF của VinaCapital đang nắm giữ nên không loại trừ khả năng bên bán là quỹ này.
Trong số nhà đầu tư nước ngoài, hiện chỉ có F&N Dairy Investment, Arisaig Asia Consumer Fund, Deutsche Bank và Dragon Capital là nắm giữ lượng cổ phiếu lớn hơn của VOF. Trong đó, khả năng F&N và Dragon Capital bán ra được loại trừ vì 2 nhà đầu tư này có đại diện trong Hội đồng quản trị của Vinamilk – tức sẽ phải công bố trước khi bán ra.
Ngoại trừ một số quỹ đầu tư mới như PYN Elite Fund hay các quỹ ETF thì các quỹ đầu tư nước ngoài đều ít nhiều nắm giữ cổ phiếu Vinamilk trong danh mục của mình, đặc biệt là các quỹ gắn bó với thị trường Việt Nam trong thời gian dài. Với việc cổ phiếu Vinamilk tăng gần 70% trong năm 2015 thì các quỹ nắm giữ cổ phiếu này với tỷ trọng cao đều thắng lớn trong năm qua.
Cổ đông lớn nhất của Vinamilk hiện là Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), sở hữu 45%.
Những quỹ đã mua Vinamilk từ rất sớm như Dragon Capital, Arisaig hay VinaCapital liên tục bán ra trong những năm gần đây. Trong khi đó, Vinamilk lại được nhiều quỹ lớn đầu tư vào các thị trường mới nổi (emerging market) như Templeton Franklin, Wasatch, Genesis Investment… mua mạnh.
Việc nới room được kỳ vọng sẽ nâng hạng chứng khoán Việt Nam từ thị trường biên (frontier market) lên thị trường mới nổi – phân khúc thị trường có lượng vốn đầu tư lớn hơn rất nhiều.
Kiến Khang