Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới đây cho biết Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã chính thức chấp thuận cho doanh nghiệp Việt Nam được xuất khẩu tổ yến sang thị trường này. Như vậy, sau tròn 1 năm kể từ khi Nghị định thư xuất khẩu được ký kết, tổ yến và các sản phẩm tổ yến từ Việt Nam đã chính thức được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Dự kiến Lễ công bố xuất khẩu lô sản phẩm tổ yến đầu tiên sang Trung Quốc sẽ diễn ra tại Lạng Sơn ngày 16/11/2023.
Đây được coi là thông tin tích cực với Việt Nam khi yến sào là sản vật có giá trị rất lớn (khoảng 4 đến 5 triệu đồng cho 100 gr yến tinh chế) và được thị trường Trung Quốc đặc biệt ưa chuộng. Trước nay, yến sào Việt Nam chỉ xuất Trung Quốc qua đường tiểu ngạch, du lịch với sản lượng không lớn. Việc được chính thức xuất khẩu chính ngạch sang thị trường “tỷ dân” Trung Quốc được kỳ vọng sẽ giúp các doanh nghiệp gia tăng cả sản lượng cũng như giá bán một cách bền vững, tương tự những nông sản đã xuất chính ngạch trước đây như khoai lang, thanh long, sầu riêng…
Doanh nghiệp kinh doanh yến sào trên sàn chứng khoán làm ăn ra sao?
Những năm qua, ngành yến sào Việt Nam đã phát triển khá mạnh với khoảng 42/63 tỉnh thành nuôi chim yến, trong đó số nhà yến tính tới cuối năm 2022 là gần 24.000, gấp 3 lần so với năm 2017. Tuy vậy, các doanh nghiệp ngành yến sào trong nước vẫn có phần khá manh mún và chất lượng sản phẩm chưa thực sự đồng đều. Doanh nghiệp “đầu tàu” ngành yến sào Việt Nam là Công ty TNHH Nhà nước MTV Yến sào Khánh Hòa, doanh nghiệp do UBND Tỉnh Khánh Hòa quản lý.
Yến sào Khánh Hòa hiện đã đưa một số công ty thành viên lên giao dịch trên sàn chứng khoán, bao gồm 2 doanh nghiệp chuyên sản xuất, kinh doanh yến sào là CTCP Nước giải khát Yến sào Khánh Hòa (Mã CK: SKV) và CTCP Nước giải khát Sanest Khánh Hòa (Mã CK: SKH). Trong đó, SKV là doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các sản phẩm yến sào với 2 thương hiệu Sanest và Sanvinest; SKH sản xuất, kinh doanh sản phẩm mang thương hiệu Sanest.
Một điểm đáng chú ý,SKV là doanh nghiệp được công ty mẹ Yến sào Khánh Hòa giao nhiệm vụ thực hiện xuất khẩu sản phẩm yến sào Sanest, Sanvinest sang thị trường Trung Quốcvà doanh nghiệp hiện đang hoàn tất những khâu cuối cùng của quá trình này. Ngày 7/11 vừa qua, bà Trịnh Thị Hồng Vân, Chủ tịch Hội đồng quản trị SKV đã tham dự buổi ra mắt sản phẩm Sanvinest Khánh Hòa tại Trung Quốc, đánh dấu bước đầu trong hành trình chinh phục thị trường lớn nhất thế giới.
Để chuẩn bị cho hoạt động xuất khẩu, thời gian qua, SKV đã triển khai xây dựng chuỗi nhà yến đạt quy chuẩn, chất lượng cao; thực hiện chuỗi liên kết sản phẩm, xây dựng quy trình truy xuất nguồn gốc Yến sào hướng đến phục vụ xuất khẩu. Ngoài ra, công ty đã tiến hành xây dựng nhà máy nước giải khát cao cấp yến sào Khánh Hòa tại KCN Sông Cầu nhằm nâng cao năng suất sản phẩm. Dự kiến giai đoạn 1 của nhà máy sẽ đi vào hoạt động ngay trong tháng 11 này.
Về hoạt động kinh doanh, những năm qua 2 doanh nghiệp ngành yến sào trên sàn chứng khoán tăng trưởng khá đều đặn.
Với SKV, trong năm 2022, doanh nghiệp ghi nhận kết quả kinh doanh cao kỷ lục với doanh thu 2.152 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 103 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 21% và 29% so với năm trước.
9 tháng đầu năm nay, sức mua suy yếu khiến doanh thu SKV sụt giảm 10% xuống còn 1.520 tỷ đồng, tuy nhiên công ty vẫn ghi nhận lợi nhuận sau thuế 81,2 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, SKH ghi nhận 94 tỷ đồng lợi nhuận trong năm 2022, tăng trưởng 33% so với năm trước. Trong 9 tháng đầu năm nay, kết quả kinh doanh công ty khá tích cực với doanh thu 1.426 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 77,7 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 6% và 15% so với cùng kỳ năm trước.
Với doanh thu lên tới hàng nghìn tỷ mỗi năm, SKV và SKH được xem là doanh nghiệp yến sào có quy mô hàng đầu Việt Nam.
Tiềm năng “tỷ đô” từ mặt hàng yến sào
Yến sào là mặt hàng có giá trị kinh tế rất lớn trong ngành nông nghiệp. Với sản lượng yến sào Việt Nam hiện đạt khoảng 200 tấn mỗi năm, giá trị thu về chỉ tính riêng việc bán sản phẩm thô đã có thể lên tới hàng trăm triệu USD. Nếu đẩy mạnh việc chế biến các sản phẩm tinh chế, dẫn xuất có thể đem lại giá trị lớn hơn nhiều. Điều này còn có ý nghĩa hơn khi yến sào Việt Nam luôn được khách hàng quốc tế đánh giá có chất lượng tốt nhất.
Tại Hội thảo khoa học “Công tác quản lý nuôi chim yến” diễn ra cách đây không lâu, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM lấy ví dụ nếu bán tổ yến thô thu về khoảng 1 tỷ đồng, trong khi đó, cũng là sản phẩm yến nhưng là nước yến có thể thu về lên tới 15 tỷ đồng.
Cũng theo ông Phương, cùng một chai đựng tổ yến thô bán trong cửa hàng Trung Quốc, yến của Indonesia bán giá 270 USD, yến Thái Lan 470 USD, trong khi yến Việt Nam có giá 840 USD. Nếu xây dựng được thương hiệu, giá yến Việt Nam sẽ còn cao hơn nữa.
Trong khi đó, bà Trịnh Thị Hồng Vân, Chủ tịch Hội đồng quản trị SKV cho rằng việc thị trường Trung Quốc đón nhận là cơ hội rất lớn cho ngành yến sào của Việt Nam. Giá trị cốt lõi là việc truy suất nguồn gốc, đảm bảo uy tín, nâng cao giá trị xuất sang Trung Quốc - một thị trường tiềm năng và am hiểu về yến sào.
Một điểm tích cực là ngành yến sào ngày càng nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao từ các cấp. Ngày 30/6/2023, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 595/CĐ-TTg về việc tăng cường triển khai các giải pháp ngăn chặn tình trạng săn bắt trái phép, quản lý nuôi chim yến và đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm tổ yến. Cũng theo công điện, Chính phủ kỳ vọng trong năm 2023 sẽ hoàn tất việc đánh giá, xuất khẩu các sản phẩm tổ yến sang Trung Quốc và xúc tiến mở rộng xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường khác.
Theo Chiến lược phát triển ngành chăn nuôi đến năm 2030 được Chính phủ ban hành năm 2020, sản lượng tổ yến của Việt Nam dự kiến đạt 350-400 tấn. Những điều này thể hiện quyết tâm của Chính phủ đối với nghề khai thác, nuôi, chế biến và xuất khẩu các sản phẩm yến sào, bảo tồn đàn chim yến, một mặt hàng nông sản được kỳ vọng mang về doanh thu tỷ USD khi thâm nhập vào thị trường Trung Quốc theo đường chính ngạch.
Minh Anh
Nhịp sống thị trường