Theo đó, có 1 doanh nghiệp giữ nguyên 100% vốn nhà nước là Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh – HFIC. HFIC có thể coi như một “SCIC thu nhỏ” của riêng Thành phố Hồ Chí Minh. Doanh nghiệp này hiện đang nắm giữ vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp lớn như Công ty Xổ số Kiến thiết Tp.HCM, Công ty Quản lý Kinh doanh nhà Thành phố HCM, Giditex, Cholimex…
39 doanh nghiệp còn lại sẽ được cổ phần hóa, trong đó chỉ có 3 doanh nghiệp nhà nước vẫn nắm giữ cổ phần chi phối (từ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ), gồm 2 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thuốc lá là Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn – CNS, Công ty TNHH MTV 27/7 và Công ty Công viên cây xanh.
Số còn lại nhà nước sẽ nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ, gồm 24 công ty dịch vụ công ích của các quận huyện cùng hàng loạt những tổng công ty chủ chốt của Thành phố Hồ Chí Minh.
Với thương hiệu, quy mô, tầm ảnh hưởng lớn tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng như trên cả nước, một số doanh nghiệp như Saigontourist, Satra, Samco, Sawaco, SJC… nhiều khả năng sẽ rất thu hút nhà đầu tư một khi tiến hành cổ phần hóa.
Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra)
Satra là một trong những doanh nghiệp thương mại – thực phẩm có quy mô lớn nhất nước với tổng doanh thu của cả hệ thống lên đến vài chục nghìn tỷ đồng mỗi năm.
Doanh nghiệp này đang tập trung phát triển hệ thống bán lẻ thực phẩm, hiện đã xây dựng được hơn 100 cửa hàng Satrafood và năm 2017 sẽ tiến hành mở rộng ra các khu vực lân cận.
Ngoài ra, Satra còn sở hữu một danh sách dài các khoản đầu tư, trong đó công ty con đáng chú ý nhất là Vissan - doanh nghiệp dẫn đầu chuyên về sản xuất kinh doanh thịt tươi sống và đông lạnh. Chuỗi sản xuất – phân phối Vissan - Satrafoods hoạt động hiệu quả chính là cơ sở cho mối nhân duyên lâu bền này.
Một trong những tài sản giá trị nhất mà Satra đang có là 40% cổ phần tại Heineken Việt Nam – doanh nghiệp đứng thứ 2 về thị phần bia tại Việt Nam. Hàng năm, Satra nhận về hơn 2.000 tỷ đồng cổ tức từ liên doanh này, đây cũng là nguồn đóng góp chính vào lợi nhuận của Satra.
Tổng Cty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist)
Saigon tourist là cái tên quá nổi trong giới du lịch với hoạt động chính: kinh doanh khách sạn, nhà hàng, lữ hành. Có thể gọi Saigon Tourist là ông trùm khách sạn bởi Tổng công ty này sở hữu “chi chít” khách sạn tại TP Hồ Chí Minh.
Tổng Cty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài gòn (Samco)
Samco là doanh nghiệp nhà nước kinh doanh đa ngành, trong đó ngành chính là sản xuất các sản phẩm cơ khí giao thông, vận tải và cung cấp dịch vụ về giao thông (cảng biển, bến xe). Samco chuyên kinh doanh ôtô, cung cấp phụ tùng chính phẩm, thực hiện bảo trì sửa chữa ôtô các loại: Toyota, Mitsubishi, Isuzu, GM, Mercedes-Benz... và sản xuất, lắp ráp các loại xe buýt và xe chuyên dùng trên nền cơ sở: Isuzu, Mitsubishi, Mercedes Benz, Hino.
Cty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC)
Hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh vàng bạc, đá quý, SJC là đối thủ cạnh tranh của CTCP vàng bạc đá quý Phú Nhuận PNJ hay Vàng bạc đá quý Doji.
Mô hình công ty gồm có công ty mẹ, 23 chi nhánh, 6 công ty con và 6 công ty liên kết, 13 doanh nghiệp có vốn đầu tư. Mạng lưới kinh doanh phân phối gồm hơn 200 cửa hàng và trên 3.000 cửa hàng liên kết bán lẻ toàn quốc. Bên cạnh đó, SJC còn có một xí nghiệp sản xuất nữ trang tập trung.
Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco)
Sawaco hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh nước sạch trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Do tính chất đặc thù của ngành, Sawaco hiện là doanh nghiệp độc quyền quản lí trong “mảng dịch vụ” thiết yếu này.
Tâm Phạm