Ngày 28/10 vừa qua, Công ty cổ phần Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Phú Phong (mã chứng khoán: PPG) đã họp Đại hội cổ đông bất thường và đưa ra quyết định giải thể công ty.
Đây là quyết định được đưa ra sau khi Phú Phong liên tục thua lỗ những năm gần đây. Từ năm 2011, doanh thu và lợi nhuận của Phú Phong bắt đầu đi xuống và chỉ sang năm 2012 công ty đã bắt đầu thua lỗ. Suốt từ năm 2012 đến nay, Phú Phong chưa khi nào có lãi.
Theo Phú Phong, khó khăn của công ty xuất phát từ sự chuyển biến của thị trường dự án bất động sản, từ cao cấp chuyển sang phục vụ nhà ở xã hội. Kéo theo đó, vật liệu xây dựng được sử dụng với chất lượng thấp, giá cả bình dân và có sự cách biệt hoàn toàn với công nghệ Châu Âu do Phú Phong đầu tư.
Ngoài ra, sự cạnh tranh giá ngày càng khốc liệt, khi người tiêu dùng chấp nhận sản phẩm giá rẻ và đồng thời, hàng thành phẩm Trung Quốc nhập khẩu có thuế suất chỉ 5% và sang năm 2015 còn 0%.
Sản lượng thị trường sụt giảm nghiêm trọng trong nhiều năm đã làm Phú Phong không sản xuất hết công suất nhà máy, khiến lãi gộp giảm mạnh và công ty thua lỗ kéo dài.
8 tháng đầu năm 2016, Phú Phong đạt doanh thu 105,3 tỷ đồng nhưng giá vốn đã chiếm tới 104,9 tỷ đồng. Trừ đi các loại chi phí, công ty lỗ tiếp 39,3 tỷ đồng. Với kết quả này, Phú Phong đã lỗ lũy kế gần 119 tỷ đồng, vượt xa số vốn điều lệ chỉ là 73,4 tỷ đồng.
Phú Phong cho biết, việc mất cân đối tài chính do thua lỗ kéo dài nhiều năm đã khiến công ty không còn đủ tài chính để tái thiết lại sản xuất kinh doanh, phải đề xuất giải thể nhằm bảo toàn vốn cổ đông. Công ty tính toán, giá trị thanh lý tài sản được 16,9 tỷ đồng và chia được cho cổ đông 2.400 đồng/cổ phiếu. Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu PPG hiện có giá 1.500 đồng/cổ phiếu.
Công ty Phú Phong được thành lập từ năm 1992 theo mô hình TNHH và đến năm 1997 chuyển đổi thành công ty cổ phần với số vốn điều lệ 7 tỷ đồng. Sau khi thành công ty cổ phần, Phú Phong mở rộng thị trường truyền thống từ nguyên liệu kính tấm các loại sang phục vụ thị trường nội thất, vật liệu xây dựng với những sản phẩm gia công sau kính.
Sau hơn 1 năm hoạt động theo mô hình mới, năm 1999 Phú Phong tăng vốn gấp đôi lên 15 tỷ đồng.
Năm 2000, Phú Phong chính thức đưa Dự án Nhà máy gia công sản phẩm sau kính vào hoạt động, đồng thời vốn điều lệ tăng từ 15 tỷ đồng lên 40 tỷ đồng.
Đến năm 2006, Phú Phong tung ra thị trường sản phẩm kính ghép nhiều lớp, được nhà đầu tư và khách hàng đánh giá cao. Sản phẩm này đã đưa Phú Phong tiến vào thị trường miền Nam, được nhiều dự án sử dụng. Theo số liệu của Hiệp hội kính xây dựng Việt Nam vào năm 2006, thị phần của Phú Phong đối với sản phẩm kính Ins đạt 80%, kính Lam đạt 70% và kính Tem đạt 50% đối với thị trường miền Nam. Năm 2006 cũng là năm Phú Phong đưa cổ phiếu lên sàn giao dịch chứng khoán.
Đỉnh cao của Phú Phong là năm 2008 với doanh thu 410 tỷ đồng. Sau đó, kết quả kinh doanh của công ty dần đi xuống và hơn 4 năm qua liên tục thua lỗ. Giải thể công ty là phương án duy nhất để bảo toàn chút ít vốn còn sót lại của cổ đông.
Theo Minh Quân
CafeBiz/ TTVN