Nửa cuối năm 2022 có thể nói là giai đoạn sóng gió nhất của CTCP Tập đoàn địa ốc No Va (Novaland, NVL) và CTCP Phát triển BĐS Phát Đạt (PDR).
Ở thời điểm hiện tại, hai cổ phiếu NVL và PDR đều đã rời khỏi rổ VN30. Tuy nhiên, kể từ thời điểm được giải cứu vào cuối tháng 11/2022, hai cổ phiếu này có những diễn biến giá trái ngược nhau.
PDR tăng gấp đôi, NVL vẫn ngụp lặn
PDR đang giao dịch quanh mức 24.000 đồng/cp, tức tăng gấp đôi so với thời điểm cuối tháng 11/2022. Còn NVL vẫn khá truân chuyên khi tiếp tục giảm về mức đáy lịch sử 10.250 đồng/cp vào phiên 1/3 năm nay. Hiện tại, NVL đang giao dịch quanh vùng giá 16.000, giảm 21,7% so với hồi tháng 11/2022.
Như vậy, kể từ sau "cú rơi tự do" trong năm ngoái, cổ phiếu PDR đã lấy lại được đà tăng trưởng, đi theo xu hướng chung của thị trường còn NVL thì vẫn tiếp tục giảm sâu kể từ đó.
Việc NVL và PDR sụt giảm mạnh trong tháng 11/2022 phần lớn nguyên nhân từ việc hai công ty này đều có nợ vay lớn và dùng chính cổ phiếu của mình để làm tài sản đảm bảo.
Chính vì lấy tài sản bảo đảm là cổ phiếu, lại đi kèm các cam kết về giá trị cổ phiếu thế chấp hoặc giá trị chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu, nên thị giá cổ phiếu của doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán có vai trò quan trọng.
Vì sao PDR 'sáng' hơn NVL?
Không phải tự nhiên mà cổ phiếu PDR lại có đà phục hồi ấn tượng, còn NVL thì lại tiếp tục giảm, khi bức tranh của Phát Đạt 9 tháng đầu năm có vẻ "sáng sủa" hơn.
Đầu tiên, xét đến kết quả kinh doanh Novaland đã đã báo lỗ trong 2 quý liên tiếp gần đây. Lũy kế 6 tháng, doanh nghiệp này lỗ ròng tổng cộng hơn 1.000 tỷ đồng và còn bị kiểm toán nghi ngờ về khả năng hoạt động.
Còn với Phát Đạt, doanh thu của công ty này đã giảm mạnh trong nửa đầu năm, nhưng vẫn có lãi từ việc thanh lý tài sản.
Tiếp theo và cũng là điều quan trọng nhất, đó chính là việc xử lý nợ vay. Theo BCTC của Phát Đạt, ngày 30/6 tổng nợ vay tài chính của đơn vị này là 3.890 tỷ đồng, giảm so với số đầu năm. Theo thông tin từ HNX, tính đến thời điểm cuối tháng 9/2023, Phát Đạt đang còn dư nợ trái phiếu hơn 1.000 tỷ đồng, giảm 1.500 tỷ đồng so với số đầu năm.
Cũng theo thông tin từ HNX, trong nửa đầu năm Phát Đạt đều trả cả gốc và lãi trái phiếu đúng hạn. Mới đây, công ty còn hoàn tất mua lại toàn bộ 135 tỷ đồng trái phiếu còn lưu hành của lô trái phiếu PDRH2123006.
Không chỉ nợ trái phiếu, các khoản nợ vay tài chính của Phát Đạt cũng liên tục giảm kể từ quý 3/2022. Trước đó, giai đoạn 2021-2022 nợ vài tài chính của công ty này đã tăng bằng lần, lên đến ngưỡng cao nhất là hơn 5.200 tỷ đồng.
Còn với Novaland, doanh nghiệp này vẫn đang "loay hoay" với những khoản nợ của mình. Mặc dù nợ vay tài chính của công ty này đã có dấu hiệu giảm trong những quý gần đây nhưng nó vẫn ở mức cao với hơn 60.000 tỷ đồng.
Những thông tin về việc Novaland chậm trả lãi, gốc trái phiếu liên tục được đưa ra cùng với các cuộc đàm phán giãn nợ, thông báo gia hạn trái phiếu. Tình trạng "kẹt tiền mặt" thể hiện ở việc doanh nghiệp này còn dùng cả bất động sản để thanh toán các khoản phải trả cho trái phiếu.
Cũng theo thông tin từ HNX, trong nửa đầu năm, công ty chưa thể thanh toán gốc của 9 lô trái phiếu và 12 lô trái phiếu chậm trả lãi. Tổng số tiền cả lãi và gốc mà doanh nghiệp này chậm trả là 5.734 tỷ đồng.
Cuối cùng, một loạt dự án của Phát Đạt đang được tái khởi động lại sau khi gặp các vướng mắc. Hồi tháng 6 năm nay, UBND tỉnh Bình Định yêu cầu xây dựng kế hoạch và tiến độ cụ thể, bố trí nhân lực vật lực khẩn trương tổ chức thi công hai dự án của công ty này gồm Cadia Quy Nhơn và Khu dân cư kết hợp chỉnh trang đô thị Bắc Hà Thanh với tổng giá trị 3.400 tỷ đồng.
Tỉnh Bình Định cũng yêu cầu Phát Đạt phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế các khu vực và các cơ quan liên quan để đề xuất các giải pháp khắc phục những hạn chế, khó khăn của các dự án.
Ngoài ra, đến tháng 9 năm nay, Bộ Xây dựng cho biết dự án Khu du lịch Poulo Condor tại Côn Đảo của Phát Đạt phù hợp với quy hoạch và cho triển khai xây dựng. Dự án này có quy mô 12ha với tổng mức đầu tư 8.282 tỷ đồng.
Còn với Novaland, một loạt đại dự án như Aqua City tại Đồng Nai, Nova World Phan Thiết tại Bình Thuận hay Nova World Hồ Tràm tại Bà Rịa - Vũng Tàu... vẫn đang gặp vướng mắc về nhiều mặt. Dự án Aqua City chỉ được tháo gỡ khó khăn ở một vài căn nhất định.
Từ tháng 9/2022 đến tháng 11/2022, trong đà giảm chung, câu chuyện về cú rơi của PDR và NVL là một trong những vấn đề nóng nhất thị trường chứng khoán.
Sau khi đạt đỉnh lịch sử, đến đầu tháng 10/2022, NVL và PDR đã đồng loạt "lao dốc" với hàng chục phiên giảm sàn. Với NVL, cổ phiếu này bắt đầu đà giảm của mình kể từ phiên ngày 2/11. Sau đó, mã này đã chứng kiến 17 phiên giảm sàn liên tiếp khiến thị giá lao dốc từ vùng 70.000 đồng/cp về còn 20.400 đồng/cp, tương ứng giảm 71% chỉ trong 1 tháng. Đến phiên 28/11/2022 NVL chính thức thoát sàn chỉ sau thời gian ngắn lúc đầu ngày với thanh khoản cả phiên là 104,2 triệu đơn vị.
Còn PDR bắt đầu giảm từ phiên ngày 19/10/2022 nhưng với mức giảm chưa lớn. Đến phiên 4/11/2022, PDR mới bắt đầu cho chuỗi 17 phiên giảm sàn của mình, tương ứng mức giảm 75,7% còn 12.000 đồng chỉ trong hơn 1 tháng.
Kể từ giữa tháng 10/2022 thị giá PDR đã giảm trong 30 phiên liên tiếp với 17 phiên sàn. PDR chính thức được giải cứu vào ngày 29/11/2022 với 94 triệu khớp lệnh. Thậm chí, cổ phiếu này còn tăng trần ngay trong phiên đó.
Trọng Hiếu
Nhịp sống thị trường