Một sự kiện đáng chú ý cách đây hơn 10 ngày là CJ Vina Agri 1 công ty thuộc CJ Cheiljedang, đã bỏ giá cao ngất ngưỡng trong đợt đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng của Vissan ngày 7/3/2016 tại mức 102.000VND/ 1 cổ phiếu. Mức giá này cao hơn 36% so với nhà đầu tư trả giá cao thứ 2 và cao gấp 6 lần giá khởi điểm để mua 4,18% cổ phần của Vissan.
Câu chuyện chưa kết thúc, vì ngày 24/3 sắp tới Vissan sẽ bán tiếp 14% cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược theo hình thức đấu giá.
Ngày 15/03/2016, Ủy ban nhân dân Tp.HCM đã có Quyết định số 1049/UBND-CNN “về việc lựa chọn danh sách nhà đầu tư chiến lược tham gia đấu giá giữa các nhà đầu tư chiến lược mua cổ phần Công ty TNHH MTV Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản Vissan”
Danh sách này bao gồm ba nhà đầu tư là Proconco, Anco và CJ CheilJedang. Proconco và Anco đều thuộc Masan.
Để được vào danh sách nhà đầu tư chiến lược này thì doanh nghiệp phải đảm bảo 5 tiêu chí do Ủy Ban Nhân dân T.p HCM phê duyệt trong Quyết định số 7995/UBND-CNN ngày 24/12/2015.
Vấn đề phát sinh ở đây là nhà đầu tư CJ CheilJedang được cho là không thỏa mãn tiêu chí thứ 3 về năng lực tài chính trong quyết QĐ 7995 nói trên. Tiêu chí thứ 3 này quy định Tổng số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu tại thời điểm 30/9/2015 không vượt quá 1,5 lần và kèm theo hoạt động SXKD không vi phạm pháp luật, không nợ thuế. Nhưng theo số liệu được công bố công khai thì CJ Cheiljedang đang có hệ số nợ này là 1,61 – vượt tiêu chuẩn cho phép (1,5).
Thực tế thì người viết không thu thập được đầy đủ số liệu của Proconco và Anco vì DN không công bố công khai. Tuy nhiên, với số liệu hiện có thì hệ số nợ của Proconco tại thời điểm cuối năm 2014 là 0,46 lần, và tại thời điểm 30/6/2015 là 0,47 lần, khá thấp so với ngưỡng của tiêu chí. Còn Anco thì không biết hệ số nợ là bao nhiêu.
Dù vậy, thì ít nhất có một câu hỏi được đặt ra là tại sao CJ Cheiljedang với hệ số nợ lớn hơn tiêu chuẩn cho phép lại lọt vào danh sách cổ đông chiến lược đấu giá Vissan tới đây?
Trong trường hợp người đọc chưa biết, các thu thập bên dưới sẽ cung cấp rõ hơn thông tin về 3 nhà đầu tư chiến lược và năng lực của họ.
CJ Cheiljedang
CJ CheilJedang hoạt động trong lĩnh vực chế biến thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm, thức ăn gia súc và chăn nuôi… tại Hàn Quốc. CJ CheilJedang là một đơn vị thành viên của CJ Group, người anh em của Samsung.
Tại Việt Nam, không ai xa lạ gì về CJ CGV, đơn vị sở hữu 80% cụm rạp chiêu phim CGV. Đầu tư ở lĩnh vực thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam, CJ thành lập Công ty TNHH CJ Vina Agri với ba nhà máy chế biến ở Long An, Vĩnh Long, Hưng Yên và trang trại nuôi heo ở Bình Dương. Về thị phần thức ăn chăn nuôi, CJ Vina Agri đứng sau vị trí của CP Vietnam, Proconco, Anco, New Hope, Cargill…
Theo tìm hiểu, khoảng 5 năm trước, CJ đã từng tiếp xúc và đề nghị hợp tác kinh doanh với Vissan nhưng không được chấp nhận vì những điều kiện mà CJ đưa ra cho Vissan không phù hợp. Tại buổi đấu giá IPO Vissan ngày 7/3 vừa qua, CJ đã bỏ giá cao nhất (102.000 đồng/cp, cao hơn 36% so với nhà đầu tư trả giá cao thứ 2 và cao gấp 6 lần giá khởi điểm, 17.000 đồng/cp) để mua 4,18% cổ phần Vissan, tương đương số tiền bỏ ra 336,6 tỷ đồng, tức là khoảng 15 triệu đô.
Giả định CJ cũng mua hết lượng cổ phần sắp tới trong đợt bán cho đối tác chiến lược của Vissan (14%) với mức giá 102,000 đồng/cổ phần, thì số tiền đầu tư thêm có thể lên đến 52 triệu USD. Nếu định giá tại mức 102,000 đồng này, 100% vốn chủ sở hữu Vissan tính ra khoảng 370 triệu USD, xấp xỉ tổng mức đầu tư của CJ tại Việt Nam trong gần 20 năm qua (khoảng 400 triệu USD).
Theo số liệu do Công ty công bố trên website, doanh số hợp nhất của CJ CheilJedang Corporation đạt 12,925 tỷ KRW trong năm 2015; lợi nhuận sau thuế 254 tỷ KRW, tăng lần lượt 10% và 84% so với năm 2014, tương ứng mức tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu khoảng 2% (năm 2013 là 0.7% năm 2013, năm 2014 đạt và 1.2%).
Về cơ cấu nợ, tính đến cuối năm 2015, CJ CheilJedang Corporation có khoản nợ phải trả 8,366 tỷ KRW. Trong đó phải trả ngắn hạn 4,335 tỷ KRW và khoản phải trả dài hạn 4,030 tỷ KRW. Tổng tài sản của Tập đoàn ở mức 13,751 tỷ KRW, tăng gần 3% so với đầu năm. Hệ số tổng nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu ở mức 1,7 lần năm 2014, 1,61 lần vào 9/2015 và 1,55 lần năm 2015.
Nguồn số liệu: website CJ Cheiljedang Corporation, Bloomberg
Proconco
Công ty Cổ phần Việt - Pháp Sản xuất Thức ăn gia súc (“PROCONCO”) tiền thân là Công ty Liên doanh Việt - Pháp Sản xuất Thức ăn gia súc (“PROCONCO”) là liên doanh đầu tiên giữa Cộng Hòa Pháp và Việt Nam đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, nông nghiệp vào năm 1991, thời kỳ đầu khi Việt Nam thực hiện chính sách kinh tế mở cửa, kêu gọi đầu tư nước ngoài. Năm 2015, Masan Nutri-Science đầu tư 51% cổ phần vào PROCONCO và có những bước hỗ trợ phát triển mạnh mẽ.
Proconco là công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn thứ hai tại Việt Nam. PROCONCO có 7 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi từ Bắc vào Nam và được đặt tại các vị trí chiến lược như gần sông hay gần khu chăn nuôi trọng điểm. Với công suất khoảng 1,4 triệu tấn/năm, PROCONCO sản xuất từ thức ăn gia súc (heo, bò), gia cầm (gà, vịt, cút) đến thủy sản (cá, tôm). Các sản phẩm của công ty được bán qua hệ thống gần 1.000 đại lý cấp 1 trên cả nước.
Thương hiệu nổi tiếng nhất của Proconco trong ngành thức ăn chăn nuôi là “Con Cò”. Ngoài ra, Proconco còn có các thương hiệu khác như Delice, Porcy, Ami…
Theo thông tin trên bản công bố thông tin đấu giá tháng 12/2015 và Báo cáo tài chính đến 6/2015, Proconco có tổng tài sản đến 6/2015 là 5.629 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu là 3.594 tỷ đồng và tổng nợ phải trả 1.674 tỷ đồng. Vay ngắn hạn khoảng 371 tỷ đồng và không có nợ vay dài hạn. Hệ số tổng nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu năm 2014 và 6/2015 lần lượt là 0,46 và 0,47 lần.
Doanh thu 2014 khoảng 13.773 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 741 tỷ đồng. 6/2015, doanh thu 6.804 tỷ đồng và lợi nhuận hơn 500 tỷ đồng, đạt tỷ suất 7,4%.
Nguồn: Bản công bố thông tin đấu giá tháng 12/2015 của Proconco, Báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán 2014 và Báo cáo tài chính hợp nhất 06 tháng 2015
Anco
Công ty Cổ Phần Dinh Dưỡng Nông Nghiệp Quốc Tế (ANCO) được thành lập từ năm 2003, tiền thân là liên doanh giữa Malaysia và Việt Nam với nhà máy đầu tiên đặt tại Đồng Nai. Đầu năm 2015, Masan Nutri-Science đầu tư 70% cổ phần vào ANCO. Cùng với Proconco, đây là bước đi nhằm hiện thực hóa tham vọng hoàn thiện chuỗi kinh doanh theo mô hình 3F.
Anco nổi tiếng về dòng sản phẩm thức ăn cho heo bao gồm đầy đủ các giai đoạn phát triển của heo như: heo sữa, heo nái, heo nọc, heo tăng trọng. Hiện tại, công ty đang vận hành 5 nhà máy trong cả nước với công suất khoảng 1,3 triệu tấn mỗi năm. Anco cung cấp danh mục đầy đủ các sản phẩm thức ăn cho heo chất lượng cao từ lúc mới sinh cho đến lúc xuất chuồng của heo, và các sản phẩm gia cầm với 3 thương hiệu là: Anco, Guinness, A&M. Công ty cung cấp cám đậm đặc, cám tổng hợp cho toàn bộ các giai đoạn của heo như: heo con, heo nái, heo nọc, heo thịt, v.v…
Năm 2014, Anco đạt tổng công suất sản xuất là 750.000 tấn. Hiệp hội Thức ăn Chăn nuôi Việt Nam năm 2013 thống kê Anco chiếm khoảng 4% thị phần thức ăn chăn nuôi toàn thị trường. Hiện tại, công ty đang vận hành 5 nhà máy trong cả nước với công suất khoảng 1,3 triệu tấn mỗi năm.
Proconco và Anco kết hợp lại (dưới Masan Nutri-Science) sẽ là công ty sản xuất thức ăn cho heo lớn nhất (không bao gồm trại gia công) và là công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi nói chung lớn thứ 2 tại Việt Nam, sau Công ty CP của Thái Lan, với sản lượng thức ăn chăn nuôi cung cấp cho thị trường năm 2014 là trên 1,7 triệu tấn, cùng 2.000 đại lý và 13 nhà máy. Không chỉ có thức ăn chăn nuôi, Anco còn là một khối liên kết thống nhất của 4 công ty chuyên sản xuất và kinh doanh trong các lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi gia súc và thực phẩm chế biến, với sản phẩm xúc xích dinh dưỡng dành cho trẻ em Xuxifarm. Trong khi đó, Proconco với sản lượng 1,4 triệu tấn đang chiếm khoảng 8% thị trường.
Sông Hương