Thị trường chứng khoán từ đầu năm luôn giao dịch với thanh khoản thấp. Tổng khối lượng giao dịch 9 tháng chỉ đạt 30,9 tỷ cổ phiếu, giảm 19% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị giao dịch còn giảm mạnh hơn, 36%. Thanh khoản èo uột cùng với việc thị trường tích lũy đi ngang trong phần lớn thời gian ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả kinh doanh của nhiều công ty chứng khoán (CTCK). Các mảng kinh doanh chính như tự doanh và môi giới đều ghi nhận sự sụt giảm so với cùng kỳ.
Trong khi đó, phần lãi từ các hoạt động cho vay (chủ yếu là cho vay ký quỹ (margin) và một phần nhỏ là tiền ứng trước) vẫn tăng và đóng góp tỷ trọng rất lớn trong tổng doanh thu hoạt động. Thống kê tại 38 CTCK, tổng dư nợ cho vay của 38 CTCK đạt hơn 56.400 tỷ đồng tỷ đồng (hơn 2,4 tỷ USD) tính tới 30/9/2019, tăng 6% so với cuối quý II và tăng 22% so với cuối năm 2018.
Tổng giá trị các khoản cho vay của 38 CTCK. Đơn vị: Tỷ đồng.
Với mức lãi suất trong khoảng từ 9,5 - 14%/năm và lượng margin "khổng lồ" như trên sẽ mang lại nguồn thu không nhỏ đối với các CTCK. Tổng phần lãi đến từ hoạt động cho vay và phải thu 9 tháng đạt 4.764 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước. Nếu chỉ tính riêng quý III, khoản này tăng 5% so với quý II và tăng đến 32% so với cùng kỳ với 1.658 tỷ đồng.
Tổng lãi từ các khoản cho vay và phải thu của 39 CTCK. Đơn vị: Tỷ đồng. |
|
Một số CTCK cạnh tranh bằng việc giảm lãi suất xuống chỉ 9,5%/năm. Với những nhà đầu tư lớn, việc chênh nhau mức lãi suất lên đến 3 - 5 điểm % là vấn đề đáng cân nhắc. Dù vậy, với nhà đầu tư nhỏ lẻ, chất lượng tư vấn, thương hiệu uy tín, mạng lưới rộng lớn là điều quan trọng hơn thay vì lãi suất rẻ. Đồng thời, margin lớn trong bối cảnh thị trường không tăng mạnh cũng là gánh nặng chi phí với nhà đầu tư.
Một điểm đáng quan tâm là việc cho vay các cổ phiếu không đủ điều kiện cấp margin hay cấp margin với tỷ lệ cao hơn mức cho phép (theo quy định, mức ký quỹ ban đầu tối đa 50% - ví dụ nhà đầu tư có 100 triệu đồng được vay tối đa 100 triệu đồng) cũng là rủi ro với hoạt động của các CTCK như trường hợp cổ phiếu FTM gần đây.
Lãi vay chiếm tỷ trọng lớn trong tổng doanh thu hoạt động nhiều CTCK
Nhìn về bản chất, lãi từ các khoản cho vay và phải thu tương tự như lãi từ hoạt động cho vay của ngân hàng. Trong khi các ngân hàng đang giảm dần phụ thuộc từ thu nhập lãi thuần xuống mức 50-60% tổng thu nhập để tập trung vào các hoạt động dịch vụ gần như không có rủi ro, thì tại nhiều CTCK tỷ trọng này đang tăng. Một phần, do lãi từ hoạt động này tăng mạnh, mặt khác lãi từ các hoạt động khác giảm trong bối cảnh thanh khoản thấp cũng như tự doanh không ghi nhận nhiều sự đột biến.
Lãi từ hoạt động cho vay và phải thu của Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) trong 9 tháng lên chiếm đến 71% tổng doanh thu hoạt động với đạt 125 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ khoản này chỉ chiếm 46%. Nếu chỉ tính riêng quý III, công ty cũng đạt 45,8 tỷ đồng và chiếm 71% doanh thu hoạt động (cùng kỳ tỷ lệ này là 53%).
Các công ty như Chứng khoán Rồng Việt (VDS), chứng khoán Mirea Asset, chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE), Chứng khoán KIS Việt Nam (KISVN) duy trì tỷ lệ này ở mức trên 55% trong cả quý III và 9 tháng với khoản lãi trên 100 tỷ đồng.
Các CTCK có tỷ trọng lãi từ các khoản cho vay và phải thu/tổng doanh thu hoạt động cao nhất. Đơn vị: Tỷ đồng |
|
Xét về số tuyệt đối, Chứng khoán SSI (SSI) vẫn là công ty ghi nhận khoản lãi từ hoạt động cho vay lớn nhất với 515 tỷ đồng (chiếm 23% tổng doanh thu hoạt động) trong 9 tháng. Con số này ở quý III là 180 tỷ đồng, chiếm 21% tổng doanh thu hoạt động và tăng 15,4% so với cùng kỳ.
Còn xét về mức tăng, nhiều CTCK vừa và nhỏ có mức tăng khoản lợi nhuận này 9 tháng trên 100% như Chứng khoán NH Việt Nam (CBVS), Chứng khoán Thành Công (TCI), Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN), Chứng khoán Đầu tư Việt Nam (IVS), Chứng khoán Việt Thành (VTSC), Chứng khoán Trí Việt (TVB).
Lãi từ các khoản cho vay và phải thu của 15 CTCK dẫn đầu quý III (bên trái) và 9 tháng. (*) số liệu theo BCTC riêng lẻ. Đơn vị: Tỷ đồng. |
|
Theo Bình An
Người đồng hành