Đợi chờ mãi rồi thì ngày Đại hội cổ đông của Chứng khoán Kim Long (KLS) cũng đến. Theo đúng lịch trình, công ty sẽ tổ chức đại hội cổ đông vào chiều ngày 25/4/2015.
Kim Long-một công ty chứng khoán vốn hơn 2 nghìn tỷ đồng có thể sẽ chia tay thị trường chứng khoán-chia tay mãi mãi- sau quyết định của Đại hội cổ đông vào ngày 25/4 này.
Nhiều người nuối tiếc lắm. Dù gì, Kim Long cũng là một trong độ chục công ty chứng khoán đầu tiên của thị trường chứng khoán. Cũng cùng thị trường trải qua đủ mọi cam go cũng như vinh hoa. Kim Long cũng đã đồng hành cùng khoảng 10 nghìn nhà đầu tư khi-đến bây giờ-Kim Long vẫn có khoảng 10 nghìn tài khoản-phần nhiều là tài khoản active.
Mấy năm trở lại đây, công ty không nhiều tiếng tăm trên thị trường. Nói theo cách mà những người thích văn hoa một chút thì là “cáo lão sớm để về vườn”. Có năm ăn được theo sóng thị trường cũng có lãi to, có năm thua lỗ. Tổng vốn chủ sở hữu của Kim Long sau 10 năm hoạt động hiện đạt gần 2.300 tỷ, cao hơn khoảng 250 tỷ do với vốn điều lệ.
Cũng không phải quá tệ, dù sao, khoản vốn của cổ đông đóng góp vào công ty cũng không bị ‘ra đi” như nhiều doanh nghiệp khác. Vốn được bảo toàn tương đối.
Thống kê của Tổng cục thống kê hồi quý 1 năm 2016 này cho thấy, trong quý I năm nay, cả nước có 23767 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 186 nghìn tỷ đồng, tăng 24,8% về số doanh nghiệp và tăng 67,2% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015; số vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt 7,8 tỷ đồng, tăng 34,5%. Số lao động dự kiến được tạo việc làm của các doanh nghiệp thành lập mới trong quý I là 322,2 nghìn người, tăng 21,5% so với cùng kỳ năm 2015.
Số doanh nghiệp ngừng hoạt động quay trở lại hoạt động trong quý I/2016 là 9376 doanh nghiệp, tăng 84,1% so với cùng kỳ năm 2015. Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động sản xuất, kinh doanh trong quý I là 2919 doanh nghiệp, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó phần lớn là những doanh nghiệp quy mô nhỏ có vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng, chiếm tới 93%. Số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động trong quý I là 20044 doanh nghiệp, tăng 23,9% so với cùng kỳ năm trước.
Khi được hỏi về cảm nghĩ nếu Kim Long giải thể, một nhà đầu tư kỳ cựu trên thị trường và cũng là cổ đông công ty nói: “Nhìn vào số liệu thống kê của cả nước mới thấy, cả nước có gần 3.000 doanh nghiệp giải thể mỗi quý thì sự ra đi của Kim Long có thể coi là bình thường được không? Kim Long dù gì cũng đã “cáo lão sớm để về vườn”. Ban lãnh đạo có vẻ không còn thiết tha với việc dẫn dắt Kim Long là một công ty chứng khoán. Có tiếc nuối, cố níu giữ thì cũng đâu giải quyết được việc gì? Chỉ tổ ăn mòn dần tiền vốn góp của cổ đông!”
Đồng quan điểm với nhà đầu tư trên, một nhà đầu tư khác chia sẻ: “Theo tôi, nên để cho KLS giải thể-càng nhanh càng tốt. Việc giải thể đầy rẫy trong nền kinh tế thì với công ty chứng khoán cũng nên xem nó là bình thường. Chán rồi thì giải thể nhanh để bảo toàn phần vốn góp cho cổ đông. Bản thân tôi cũng không mong lôi lão ở đã ở vườn ra đi dùng tiền của chúng tôi. Điều tôi quan tâm bây giờ là quyền lợi cho cổ đông như thế nào, giải quyết nhanh không…Tôi mong càng nhanh càng tốt để cổ đông không bị chôn vốn”.
“Tôi không định bán cổ phiếu KLS bây giờ. Tôi không phản đối cũng không ủng hộ chuyện Kim Long giải thể. Tôi nghe nói tiền giải thể có thể cao hơn giá thị trường cổ phiếu KLS bây giờ nên tôi giữ cổ phiếu và chờ đợi thôi”- một cổ đông KLS khác chia sẻ.
Khảo sát gần đây của chúng tôi về quan điểm của nhà đầu tư về việc Kim Long nên giải thể hay không, có đến gần 65% lượng độc giả cho rằng nên giải thể. 35% còn lại cho rằng không. Chiều 25/4, liệu Kim Long có được cổ đông đồng thuận cho giải thể hay không sẽ được trả lời.
Phương Chi