Được thành lập từ năm 2006, CTCP Chứng khoán Kim Long (KLS) là một trong những tên tuổi (đã từng) lừng lẫy, song hành cùng những thăng trầm của TTCK Việt Nam.
Trải qua 10 năm hoạt động với hơn 10 nghìn tài khoản được kích hoạt, Kim Long đã để lại không ít dấu ấn trong lòng nhà đầu tư gắn bó với thị trường. Cùng điểm lại những cột mốc đáng nhớ trong quá trình 10 năm hoạt động của Chứng khoán Kim Long.
Năm 2006: CTCP Chứng khoán Kim Long chính thức thành lập với vốn điều lệ 18 tỷ đồng và được công nhận là thành viên của SGDCK Hà Nội và SGDCK TP.HCM.
Năm 2007: Công ty tăng vốn lên 315 tỷ đồng, đủ điều kiện để thực hiện các hoạt động nghiệp vụ của CTCK. Kết thúc năm 2007, Kim Long đạt doanh thu 194 tỷ đồng, LNST 126 tỷ đồng, số lượng tài khoản mở tại công ty là 4.694.
Năm 2008: Chính thức niêm yết trên SGDCK Hà Nội với mã KLS. Cũng trong năm này, Kim Long khai trương chi nhánh tại TP.HCM và là bước tiến để mở rộng thị phần phía nam.
Tuy nhiên, KQKD Kim Long trong năm 2008 lại là nốt trầm khi lỗ tới 347 tỷ đồng do những khó khăn chung của TTCK cũng như nền kinh tế thế giới. Năm 2008 cũng là năm ghi nhận mức lỗ kỷ lục của Kim Long kể từ khi đi vào hoạt động.
Năm 2009: Tăng vốn lên 1.000 tỷ đồng, đưa Kim Long trở thành một trong 5 CTCK có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam.
Trái ngược với diễn biến ảm đạm trong năm trước đó, lợi nhuận Kim Long đạt được trong năm 2009 lên tới 352 tỷ đồng và cho đến nay, đây vẫn là mức lợi nhuận lớn nhất mà công ty đạt được.
Số lượng tài khoản tại Kim Long chững lại từ năm 2010
Năm 2010: Kim Long tiếp tục tăng vốn lên 2.025 tỷ đồng và trở thành CTCK có vốn điều lệ lớn thứ 3 trên thị trường, sau SSI và Agriseco. Cũng trong năm này, Kim Long đã triển khai dịch vụ Giao dịch chứng khoán trực tuyến.
Năm 2011: Kim Long gây lùm xùm trên thị trường khi có ý định chuyển đổi mô hình hoạt động từ CTCK sang Công ty đầu tư. Tuy nhiên, kế hoạch này đã không được cổ đông thông qua.
Thời điểm này, Kim Long nổi tiếng bởi nắm giữ trong tay khoản tiền mặt gần 1.800 tỷ đồng gửi ngân hàng.
Diễn biến giao dịch KLS kể từ khi niêm yết
Năm 2012: Cổ phiếu KLS được đưa vào danh mục cổ phiếu để tính chỉ số HNX30.
Năm 2013: Kim Long thực hiện mua thành công 20,25 triệu cổ phiếu quỹ.
Năm 2014: Mở rộng hoạt động cho vay ký quỹ trên nền tảng quản lý tự động bằng hệ thống phần mềm. Kết quả kinh doanh khá tích cực với 145 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, đánh dấu năm thứ 4 liên tiếp kinh doanh có lãi.
Năm 2015: Đầu tư mạnh vào cổ phiếu dầu khí đã khiến Kim Long lỗ 68 tỷ đồng. Tính tới hết năm 2015, lỗ lũy kế của Kim Long là hơn 66 tỷ đồng. Số tài khoản được mở tại công ty lên tới 10.786, gấp 2,3 lần so với thời điểm năm 2007.
Năm 2016: Rơi vào diện cảnh báo do lợi nhuận sau thuế năm 2015 và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2015 là số âm. Nhiều thông tin cho rằng SSI sẽ tiến hành mua lại Kim Long nhưng cuối cùng thương vụ đã không được diễn ra.
Kết thúc phiên giao dịch 8/4, thị giá KLS đạt 8.900 đồng/cp, tương ứng vốn hóa thị trường 1.622 tỷ đồng.
Hoàng Anh