Lý do giải thể được Kim Long đưa ra có thể hiểu một cách ngắn gọn như sau:
1. Hoạt động kinh doanh không hiệu quả. Giải thể để bảo toàn nguồn vốn.
Các hoạt động kinh doanh của Công ty qua các năm đã luôn duy trì được sự ổn định và an toàn, bảo vệ được nguồn lực tài chính cho Công ty. Tuy nhiên, chính vì mục tiêu bảo toàn nguồn lực mà hiệu quả kinh doanh mang lại không cao. Ngay cả trong những năm kết quả kinh doanh được đánh giá là thành công, hiệu quả mang lại cũng không vượt qua được mức ROE của nhiều doanh nghiệp niêm yết thuộc các ngành nghề, lĩnh vực khác trên thị trường;
2. Quy mô thị trường nhỏ, nhiều đối thủ lớn dẫn đến việc không cạnh tranh được.
Theo Kim Long, quy mô của TTCK Việt Nam hiện khá nhỏ và có quá nhiều tổ chức kinh doanh chứng khoán tham gia hoạt động, dẫn tới tính cạnh tranh khá khốc liệt. Thị phần chủ yếu thuộc về các công ty lớn, có lịch sử hoạt động lâu dài hoặc một số CTCK chấp nhận rủi ro cao.
Nếu muốn gia tăng thị phần trong hoạt động nghiệp vụ thì phải chấp nhận rủi ro cao hơn, dẫn đến thất thoát nguồn lực và thiệt hại cho các cổ đông.
3. Quy định ngành nghề chặt chẽ khiến Kim Long khó thực hiện các khoản đầu tư lớn, lâu dài và mang tính chi phối doanh nghiệp.
Là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, các CTCK phải tuân thủ nhiều quy định chặt chẽ của pháp luật nhằm đảm bảo tính an toàn của hệ thống tài chính. Tuy nhiên, mặt trái của những quy định này khiến các CTCK không thể thực hiện các khoản đầu tư lớn, lâu dài và mang tính chi phối doanh nghiệp. Vì vậy, khả năng kiểm soát các khoản đầu tư dài hạn bị hạn chế.
4. Lãi suất Kim Long gửi ngân hàng thấp hơn mức lãi suất cá nhân gửi.
Nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi của Công ty đã được tận dụng tối đa cho mục đích sinh lợi trên thị trường tiền tệ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy mức lãi suất huy động của ngân hàng từ các tổ chức kinh tế luôn luôn thấp hơn mức lãi suất trả cho các cá nhân.