Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2023 của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam - PVN), năm 2023, Tập đoàn ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 517.000 tỷ, giảm gần 8% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 40.280 tỷ đồng, giảm 29% so với năm 2022.
Doanh thu của PVN đến từ các hoạt động tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí; chế biến dầu khí; công nghiệp khí; công nghiệp điện; dịch vụ dầu khí chất lượng cao; thương mại - phân phối; dịch vụ tài chính và khác.
Phần lớn doanh thu của PVN đến từ hoạt động thương mại và phân phối, chiếm 41% doanh thu chưa loại trừ nội bộ với hơn 267.000 tỷ, giảm gần 12% so với năm 2022. Trong đó, bao gồm hơn 119.000 tỷ đồng doanh thu bán sản phẩm lọc dầu bao tiêu theo Hợp đồng bao tiêu sản phẩm nhiên liệu giữa PVN và Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP), theo số liệu của báo cáo tài chính riêng. Tuy nhiên hoạt động này đang lỗ khi giá vốn các sản phẩm lọc dầu bao tiêu hơn 124.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, một số công ty con của PVN hoạt động trong lĩnh vực phân phối ví dụ như PV Oil phân phối xăng dầu và Petrosetco phân phối sản phẩm công nghệ.
Lĩnh vực chế biến dầu khí ghi nhận doanh thu đạt hơn 168.000 tỷ, chiếm gần 26% doanh thu chưa loại trừ nội bộ và lợi nhuận gộp hơn 13.200 tỷ, lần lượt giảm 14% và 55% so với năm 2022. Các công ty con của PVN trong lĩnh vực này bao gồm Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau, VNPoly...
Các nhà máy lọc hóa dầu Dung Quất, Nghi Sơn đang đáp ứng 80- 85% nhu cầu trong nước; Các nhà máy đạm Cà Mau, Phú Mỹ đáp ứng 70- 75% nhu cầu trong nước.
Hoạt động công nghiệp khí tuy chỉ mang về doanh thu hơn 71.000 tỷ, nhưng lợi nhuận gộp cao nhất với gần 19.400 tỷ. PVN có công ty con là Tổng Công ty khí Việt Nam - CTCP (PVGas - mã CK: GAS) và Chi nhánh Tập đoàn - Công ty Điều hành Đường ống Tây Nam (SWPOC) hoạt động trong lĩnh vực này.
Hoạt động tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí mang về doanh thu gần 44.000 tỷ, lợi nhuận gộp hơn 19.300 tỷ. Các công ty con của PVN hoạt động trong lĩnh vực này có Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) và 2 công ty liên doanh Gazpromviet và Rusvietpetro.
Lĩnh vực công nghiệp điện mang về doanh thu hơn 45.200 tỷ và lợi nhuận gộp âm hơn 1.000 tỷ. Tham gia lĩnh vực này có Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP (PVPower - POW), các ban quản lý dự án điện, Chi nhánh Phát điện Dầu khí (PVPGB).
Lĩnh vực dịch vụ dầu khí chất lượng cao mang về doanh thu gần 20.900 tỷ và lợi nhuận gộp gần 1.700 tỷ, các công ty con, công ty liên kết của PVN hoạt động trong lĩnh vực này có thể kể đến PV Drilling, PVTrans, PTSC, PVChem, PAP, PetroCamRanh...
Dịch vụ tài chính có Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVcom Bank), Công ty CP PVI (PVI Holdings). Doanh thu mang về hơn 17.400 tỷ và lãi gộp 84 tỷ đồng.
Tại ngày 31/12/2023, tổng tài sản của PVN vượt mức hơn 1 triệu tỷ đồng, tăng 2,4% so với hồi đầu năm. Trong đó, các khoản tiền mặt và tiền gửi là gần 347.600 tỷ đồng. Nợ phải trả của Tập đoàn tại cuối năm 2023 hơn 479.000 tỷ, trong đó, tổng nợ vay hơn 262.000 tỷ. Vốn chủ sở hữu của PVN ở mức 532.000 tỷ.
Trong số các doanh nghiệp Việt hiện nay, PVN là doanh nghiệp duy nhất không phải ngân hàng có quy mô tài sản vượt mốc 1 triệu tỷ đồng. Các doanh nghiệp phi ngân hàng khác có tài sản lớn hiện cách PVN khá xa gồm Vingroup, đạt 668 nghìn tỷ và EVN đạt 649 nghìn tỷ đồng.
Ngọc Điệp
An ninh tiền tệ