MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

THÔNG TIN CÔNG TY

Thứ 5, 11/04/2024, 19:06
AU

 

Giá hiện tại: AU 0.0 0(0) Biểu đồ GTGD và KLGD trong 1 tháng Thông tin tài chính Hồ sơ công ty GDCĐ lớn & CĐ nội bộ Facebook message
Tổng tài sản các công ty tài chính giảm 15.000 tỷ, 8/16 doanh nghiệp đã báo lỗ hoặc sụt giảm lợi nhuận
Tổng tài sản các công ty tài chính giảm 15.000 tỷ, 8/16 doanh nghiệp đã báo lỗ hoặc sụt giảm lợi nhuận

Trên thị trường Việt Nam có tổng cộng 16 công ty tài chính được NHNN cấp phép hoạt động thì có tới 8 doanh nghiệp đã báo lỗ hoặc sụt giảm lợi nhuận trong năm 2023, các công ty còn lại chưa công bố kết quả kinh doanh.

Tổng tài sản các công ty tài chính giảm 15.000 tỷ, 8/16 doanh nghiệp đã báo lỗ hoặc sụt giảm lợi nhuận- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tổng tài sản của các công ty tài chính, cho thuê tính đến cuối tháng 1/2024 ở mức 295.932 tỷ đồng, giảm hơn 6.900 tỷ, tương đương 2,28% so với cuối năm 2023. Trước đó, tổng tài sản của nhóm này đã giảm hơn 8.000 tỷ đồng trong năm 2023 – mức sụt giảm mạnh nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Như vậy, từ cuối năm 2022 đến tháng 1/2024, tổng tài sản của các công ty tài chính, cho thuê đã giảm gần 15.000 tỷ đồng, tương đương 4,8%.

Không chỉ chứng kiến sự thu hẹp về quy mô tài sản, một loạt công ty tài chính đã ghi nhận kết quả kinh doanh sụt giảm, thậm chí lỗ lớn trong năm 2023.

Năm 2023, theo báo cáo của Công ty Chứng khoán MB (MBS), năm FE Credit lỗ trước thuế 3.529 tỷ đồng, cao hơn 408 tỷ đồng so với mức lỗ của năm 2022. Nguyên nhân là do nguồn thu sụt giảm đi cùng chi phí hoạt động và chi phí trích lập dự phòng ở mức cao.

Công ty Tài chính Mirae Asset Việt Nam - một công ty tài chính tiêu dùng có 100% vốn Hàn Quốc - ghi nhận lỗ ròng 963 tỷ đồng, so với mức lãi hơn 120 tỷ năm trước đó.

Một công ty tài chính có 100% vốn ngoại khác là Shinhan Finance - thành viên của Shinhan Card (Hàn Quốc) - báo lỗ hơn 460 tỷ đồng, trong khi năm 2022 lãi trên 300 tỷ. Đây là khoản lỗ đầu tiên kể từ khi Shinhan Card mua lại Prudential Finance và ra mắt thương hiệu Shinhan Finance tại thị trường Việt Nam vào năm 2019. Và cũng là mức lỗ kỷ lục của công ty này kể từ khi bước chân vào thị trường cho vay tiêu dùng.

Ngoài 3 công ty tài chính trên, nhiều công ty tài chính cũng báo cáo lợi nhuận sụt giảm mạnh trong năm 2023.

Home Credit Việt Nam - doanh nghiệp vừa về tay ngân hàng Thái Lan - vẫn ghi nhận lãi ròng hơn 375 tỷ đồng trong năm 2023, nhưng giảm 68% so với một năm trước đó (1.189 tỷ).

Tương tự, Công ty tài chính MB Shinsei (Mcredit) cũng báo giảm lãi 75% trong năm trước, với lợi nhuận sau thuế còn 240 tỷ đồng. Hay HDSaison ghi nhận lợi nhuận giảm 43% so với năm 2022, xuống còn 660 tỷ đồng.

Hai công ty tài chính có cổ phiếu giao dịch trên sàn chứng khoán là VietCredit và EVN Finance cũng chứng kiến lợi nhuận năm 2023 giảm lần lượt 74% và 10% so với năm 2022.

Theo danh sách của NHNN, trên thị trường Việt Nam có tổng cộng 16 công ty tài chính được cấp phép hoạt động thì có tới 8 doanh nghiệp đã báo lỗ hoặc sụt giảm lợi nhuận trong năm 2023, các công ty còn lại chưa công bố kết quả kinh doanh.

Theo Fiingroup, mảng tài chính tiêu dùng kết thúc một năm kinh doanh - năm 2023, đầy thử thách. Dư nợ cho vay của các ngân hàng và công ty tài chính tăng 11,3% so với 2022, bằng một nửa so với một năm trước đó. Trong đó, dư nợ tăng của phân khúc này chủ yếu đến từ các ngân hàng.

Ước tính năm 2023, quy mô dư nợ của các công ty tài chính giảm hơn 9% so với cùng kỳ. "Nhóm công ty tài chính đã bị ảnh hưởng nặng nề do suy thoái trong các lĩnh vực sử dụng nhiều lao động, đặc biệt là sản xuất và xuất khẩu", báo cáo của Fiingroup cho biết.

Khó mở rộng cho vay, cùng các điều kiện tín dụng bất lợi, gồm nhu cầu giảm, tỷ lệ nợ quá hạn tăng và hoạt động cho vay bị thắt chặt... là những lý do khiến lợi nhuận các công ty tài chính lao dốc và tổng tài sản thu hẹp.

Chia sẻ tại hội thảo về tín dụng đen tháng 10/2023, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), cho biết tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tiêu dùng toàn hệ thống chỉ ở mức 4% nhưng nợ xấu của các công ty tài chính đến nay đã lên đến 8 - 10% cá biệt có công ty nợ xấu lên đến 20%.

"Nhiều công ty lâm vào tình trạng khó khăn, thậm chí thua lỗ do phải trích dự phòng rủi ro nợ xấu tăng cao", ông Hùng cho hay.

Thực trạng về nợ xấu, trào lưu bùng nợ, cán bộ thu hồi nợ nghỉ việc,... đã khiến cho các công ty tài chính không thể tiếp tục mở rộng cho vay được, thực tế dư nợ không tăng mà còn giảm so với năm 2022 (giảm trên 60.000 tỷ).

Giải thích cho tình trạng nợ xấu tăng cao, theo ông Hùng ngoài những yếu tố khách quan với khó khăn chung còn có những yếu tố chủ quan và rất nguy hiểm mà chưa có chế tài xử lý đó là khách hàng cố tình không trả nợ, người trước khuyên người sau không trả nợ.

"Có cán bộ công ty đến đòi nợ hoặc nhắc nợ thì chống đối, tố cáo, vu khống cán bộ là dùng biện pháp manh động để đòi nợ đến chính quyền. Một số đối tượng lợi dụng việc cơ quan quản lý trấn áp tội phạm tín dụng đen và cố tình qui kết các công ty tài chính tiêu dùng do Ngân hàng Nhà nước cấp phép là tổ chức tín dụng đen nên không trả nợ và thành lập hội bùng nợ trên Zalo, Facebook …. nhưng không hề bị xử lý", ông Hùng cho biết.

Quốc Thụy

Các tin khác
(*) Lưu ý: Dữ liệu được tổng hợp từ các nguồn đáng tin cậy, có giá trị tham khảo với các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, chúng tôi không chịu trách nhiệm trước mọi rủi ro nào do sử dụng các dữ liệu này.