MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

THÔNG TIN CÔNG TY

Thứ 4, 28/02/2024, 10:27
AU

 

Giá hiện tại: AU 0.0 0(0) Biểu đồ GTGD và KLGD trong 1 tháng Thông tin tài chính Hồ sơ công ty GDCĐ lớn & CĐ nội bộ Facebook message
Cổ phiếu dầu khí giao dịch bùng nổ, PVD “cháy hàng” lên đỉnh 9 năm, điều gì đang xảy ra?
Cổ phiếu dầu khí giao dịch bùng nổ, PVD “cháy hàng” lên đỉnh 9 năm, điều gì đang xảy ra?

Trong khi các cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, thép,… đều có giai đoạn hút tiền mạnh gần đây, nhóm dầu khí lại gần như lặng sóng một thời gian khá dài.

Thị trường chứng khoán phiên 28/2 bất ngờ chứng kiến giao dịch bùng nổ trên nhóm cổ phiếu dầu khí. Các cổ phiếu như BSR, GAS, PVS, PVB, PVT, PVC, PLX, OIL,… đồng loạt tăng mạnh với mức tăng phổ biến trên 2%. Đáng chú ý nhất là PVD khi cổ phiếu này nhanh chóng tăng kịch trần "trắng bên bán" chỉ ít phút sau khi mở phiên qua đó leo lên mức cao nhất trong vòng 9 năm.

photo-1709090651107

Cổ phiếu dầu khí giao dịch khởi sắc có thể đến từ sự luân chuyển dòng tiền giữa các nhóm ngành. Trong khi các cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, thép,… đều có giai đoạn hút tiền mạnh gần đây, nhóm dầu khí lại gần như lặng sóng một thời gian khá dài. Ngoài ra, nhóm dầu khí cũng đang có một số câu chuyện đáng chú ý có thể tác động đến diễn biến giá cổ phiếu.

Theo báo cáo phân tích cổ phiếu PVD mới đây của SSI Research, mối quan tâm trong ngành là Saudi Aramco, một trong những doanh nghiệp sản xuất dầu chính ở Trung Đông, gần đây đã hủy bỏ kế hoạch (công bố vào năm 2022) tăng công suất 8% lên 13 triệu thùng/ngày. Bộ phận phân tích này lưu ý rằng chu kỳ tăng trưởng hiện tại của ngành khoan chủ yếu được thúc đẩy nhờ công suất sản xuất dầu tăng mạnh từ Trung Đông, do đó, bất kỳ sự thay đổi nào trong chiến lược này đều có thể dẫn đến sự thay đổi chu kỳ tăng trưởng hiện tại của ngành khoan.

Bên cạnh đó, tiến độ triển khai dự án điện khí Lô B - Ô Môn cũng đang được giới đầu tư theo dõi sát sao. Mới đây, Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã đề nghị các đơn vị liên quan tập trung tháo gỡ các vướng mắc, thúc đẩy tiến độ khâu hạ nguồn đang nằm trên đường găng tiến độ, đặc biệt là dự án nhiệt điện Ô Môn IV; tập trung giải quyết các điều kiện để có được Quyết định đầu tư cuối cùng (FID) dự án khí Lô B theo kế hoạch vào tháng 4/2024.

Trước đó, vào cuối tháng 10/2023, PVN và các đối tác đã tiến hành ký kết các văn bản quan trọng như: Thỏa thuận khung Lô B; Biên bản thống nhất nội dung Hợp đồng bán khí Ô Môn I; trao thầu Hợp đồng EPC#1. Theo đó, liên doanh PVS và McDermott (Mỹ) đã được trao gói thầu EPCI#1, trị giá xấp xỉ 1,1 tỷ USD. Ngoài ra, PTSC M&C - công ty con của PVS cũng vừa trúng thầu gói thầu EPCI#2 dự án thượng nguồn, liên quan đến việc xây dựng một số giàn đầu giếng và hệ thống đường ống nội mỏ.

Theo SSI Research, trong năm 2024, với dự báo giá dầu khó tăng mạnh, dự án Lô B - Ô Môn vẫn sẽ là động lực chính của ngành dầu khí với tính chất khá cấp thiệt để bù đắp cho các mỏ khí nội địa đang dần cạn kiệt trong thời gian tới. Chính phủ Việt Nam vẫn duy trì mục tiêu khai thác dòng khí đầu tiên vào cuối năm 2026.

Tuy nhiên, vẫn còn những trở ngại trong việc giải quyết FID, đặc biệt là việc ký kết GSPA/GSA với cả sản lượng cam kết, giá khí và quyết định đầu tư cuối cùng cho dự án nhà máy điện Ô Môn 3 & 4. Những vấn đề này cần được Chính phủ làm rõ và đưa ra các biện pháp cụ thể hơn. SSI Research cho rằng, tin tức cập nhật về dự án sẽ tiếp tục hỗ trợ giá cổ phiếu ngành dầu khí, đặc biệt là các công ty thượng nguồn.

Lợi nhuận phân hóa

Theo đánh giá của SSI Research, ngành dầu khí có thể tiếp tục xu hướng phân hóa lợi nhuận trong năm 2024. Những cổ phiếu trung nguồn như GAS và BSR có thể tiếp tục ghi nhận mức lợi nhuận giảm khoảng 5%-10% do sản lượng tiêu thụ giảm do các mỏ hiện tại đang dần cạn kiệt (đối với GAS) và nhà máy tạm dừng hoạt động để bảo trì (đối với BSR). PLX sẽ có mức tăng trưởng lợi nhuận cốt lõi dương do sản lượng tăng trưởng ổn định.

Ngược lại, các công ty thượng nguồn như PVD và PVS sẽ có thể duy trì đà tăng trưởng nhờ vào hoạt động E&P sôi động trong khu vực và được hưởng lợi chính từ dự án Block B. Đáng chú ý, PVD được dự báo sẽ có mức tăng trưởng lợi nhuận cao nhất trong ngành, (tăng khoảng 80%) phần lớn nhờ công suất hoạt động cao hơn và giá cho thuê giàn khoan ổn định.

Đồng quan điểm, Chứng khoán VPBank (VPBankS) cũng cho rằng ngành dầu khí sẽ có sự phân hóa rõ rệt thể hiện qua dự báo tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của từng doanh nghiệp. PVD, PVS, PVC được dự báo sẽ có lợi nhuận tăng trưởng mạnh trong khi đa phần các doanh nghiệp khác đều chỉ tăng trưởng 1 con số, thậm chí GAS, BSR có thể tăng trưởng âm.

photo-1709090684607

Tính chung toàn ngành, VPBankS dự báo doanh thu và lợi nhuận nhóm doanh nghiệp dầu khí năm 2024 đạt lần lượt 684.590 tỷ và 31.362 tỷ đồng, tương ứng bằng 101% và 98% của năm 2023. Theo dự báo của nhiều tổ chức, giá dầu sẽ chịu sức ép điều chỉnh trong nửa đầu năm và dao động trong khoảng 75-80 usd/thùng khi nguồn cung từ nhóm ngoài OPEC tiếp tục tăng, đặc biệt từ Mỹ.

Tuy nhiên, giá dầu được kỳ vọng sẽ tăng lên trong khoảng 80-85 usd/thùng vào nửa cuối năm 2024 khi kinh tế hồi phục trở lại nhờ lãi suất giảm. Theo VPBankS, giá dầu ở mức 75-85 usd/thùng về cơ bản vẫn tiếp tục hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành dầu khí trong nước, đặc biệt là việc triển khai các dự án đầu tư thượng nguồn như Lô B- Ô Môn; Sư tử Trắng 2B…

Hà Linh

Các tin khác
(*) Lưu ý: Dữ liệu được tổng hợp từ các nguồn đáng tin cậy, có giá trị tham khảo với các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, chúng tôi không chịu trách nhiệm trước mọi rủi ro nào do sử dụng các dữ liệu này.