Hàng loạt dự án được khởi công, phê duyệt chủ trương đầu tư
Trong những năm vừa qua, việc đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông tại Việt Nam đã được thúc đẩy, tạo ra phong trào, xu thế. Năm 2021 - 2022 là giai đoạn khởi động, chuẩn bị và phê duyệt dự án, năm 2023 triển khai đồng loạt. Năm nay, 2024 được xác định là năm tăng tốc thực hiện các công trình giao thông trọng điểm với tổng mức đầu tư rất lớn 422.000 tỷ đồng
"Chỉ bàn làm, không bàn lùi, khó khăn ở đâu thì ở đó phải giải quyết, vướng mắc ở cấp nào thì cấp đó phải tháo gỡ", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh trong phiên họp Ban chỉ đạo Nhà nước các công trình trọng điểm ngành giao thông sáng hôm nay, 16/2.
Thủ tướng nêu thêm, nếu chúng ta giải ngân được 422.000 tỷ đồng vốn đầu tư cho các công trình hạ tầng giao thông thì sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, sinh kế cho người dân, tạo không gian phát triển mới cho các địa phương, vùng miền và cả nước.
Trong năm 2023 và tháng 1/2024, công tác chuẩn bị đầu tư các dự án đã được đẩy nhanh, nhiều dự án đã được khởi công như Cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021 - 2025, 3 dự án trục Đông - Tây, đường Vành đai của Hà Nội và TPHCM, cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang, An Hữu - Cao Lãnh, đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa…
Đồng thời nhiều dự án cũng đã hoàn thành việc phê duyệt chủ trương đầu tư, dự án đầu tư như cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, Hữu Nghị - Chi Lăng, Dầu Giây - Liên Khương để tiếp tục triển khai lựa chọn nhà thầu, khởi công trong năm 2024.
Nhiều công trình dự án cao tốc được khánh thành đưa vào sử dụng như 7 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía đông với chiều dài 412 km, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ dài 23 km, Tuyên Quang - Phú Thọ dài 40 km.
Với các dự án mới triển khai, các tỉnh đã tập trung lực lượng để tổ chức thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, cơ bản đáp ứng tiến độ thi công; các chủ đầu tư, nhà thầu nỗ lực tổ chức thi công để đẩy nhanh tiến độ thi công công trình. Đa số các dự án đều đạt hoặc vượt kế hoạch đề ra; kết quả giải ngân của các dự án đều đạt ở mức cao hoặc vượt yêu cầu.
Hạ tầng, giao thông là nhóm ưu tiên đầu tư công
Việc tập trung đẩy mạnh đầu tư công được kỳ vọng sẽ tạo ra các tác động lan tỏa, là mắt xích quan trọng cho sự phát triển của nhiều nhóm ngành kinh tế. Theo Công ty Cổ phần Chứng khoán Guotai Junan (Việt Nam), cơ cấu vốn đầu tư công theo lĩnh vực giai đoạn 2010 - 2020 của Việt Nam có thể thấy, đầu tư công ở Việt Nam chủ yếu dành cho xây dựng kết cấu hạ tầng, trong đó đầu tư công trong lĩnh vực giao thông vận tải, kho bãi chiếm tỷ trọng lớn nhất tăng từ mức 18% năm 2010 lên 28% năm 2020. Đứng ở vị trí thứ 2 là sản xuất và phân phối điện, nước chiếm tỷ trọng khoảng 10% tổng vốn đầu tư công năm 2010 và giảm xuống còn 11% trong năm 2020.
Công ty chứng khoán này đưa ra quan điểm, các ngành năng lượng - xây dựng sẽ được hưởng lợi trực tiếp với tỷ trọng lớn trong cơ cấu phân bổ đầu tư công. Song hành cùng các dự án đầu tư công (hạ tầng giao thông), nhóm vật liệu xây dựng cũng được hưởng lợi gián tiếp với nhu cầu lớn về thép, đá, ximăng.
Theo đánh giá của SSI Research, doanh nghiệp hưởng lợi từ các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng sẽ là các doanh nghiệp đầu ngành, có tiềm lực tài chính đủ mạnh về quy mô tài sản, vốn chủ sở hữu, có lợi thế cạnh tranh; có kinh nghiệm tham gia các dự án xây dựng hạ tầng trọng điểm, hàm lượng kỹ thuật cao. Một số doanh nghiệp đầu ngành có thể nhắc đến CTCP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả - HHV, CTCP Lizen - LCG, Vinaconex - VCG, Tập đoàn CIENCO4 - C4G...
Trong khi đó, Công ty TNHH Chứng khoán Yuanta Việt Nam, ngành vật liệu xây dựng (VLXD) và xây dựng hạ tầng sẽ là các nhóm ngành hưởng lợi trực tiếp, nhóm bất động sản (BĐS) và logistics sẽ được hưởng lợi gián tiếp. Trong đó, nhóm VLXD, đặc biệt là ngành đá xây dựng, nhựa đường sẽ được hưởng lợi lớn hơn vì đây là nhóm có biên lợi nhuận tốt hơn nhiều so với ngành xây dựng. "Trong ngành đá xây dựng, chi phí logistics chiếm tỷ trọng lớn, nên các doanh nghiệp có mỏ khai thác gần khu vực dự án sẽ có lợi thế lớn nhất", Chứng khoán Yuanta nhận định.
Toàn quốc có 34 dự án lớn, 86 dự án thành phần quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải tại 46 tỉnh, thành. Trong đó có 5 dự án đường sắt, 2 sân bay, còn lại là các dự án đường bộ như cao tốc và các đường vành đai vùng Thủ đô Hà Nội, đường vành đai TP HCM.
Theo Pha Lê
Đời sống & pháp luật