Theo báo cáo mới đây của Chứng khoán VNDirect, tính tới 5/2, 1.128 công ty niêm yết và giao dịch trên HSX, HNX và thị trường UPCoM đã công bố báo cáo tài chính. Theo đó, tổng lợi nhuận ròng tăng hơn 30% cùng kỳ, nhờ hoạt động kinh doanh khởi sắc trở lại và yếu tố mức nền thấp của năm trước.
Trong quý 4/2023, thép và ngân hàng là những ngành đóng góp tăng trưởng hàng đầu. Các doanh nghiệp thép tiếp tục có một mùa kinh doanh tích cực khi nhiều công ty có kết quả khả quan trong quý IV, trong khi cùng kỳ năm ngoái ghi nhận lỗ. Tổng lợi nhuận ròng ngành Thép tăng 26,7% so với quý III. Sự cải thiện này đến từ việc biên lợi nhuận gộp tăng nhờ chi phí đầu vào giảm, quản lý hàng tồn kho tốt hơn và sản lượng tiêu thụ cải thiện.
Lãi ròng của nhóm ngân hàng trong ba tháng cuối năm tăng 22,5% so với cùng kỳ, nhờ tín dụng được đẩy nhanh, thu nhập ngoài lãi (thu nhập từ phí, hoạt động ngoại hối) tăng mạnh, và chi phí trích lập dự phòng giảm 5%.
Đáng chú ý, ngành bất động sản không quá tiêu cực như nhiều người dự đoán. Lãi ròng quý cuối 2023 của ngành này giảm gần 20% cùng kỳ và hơn 24% so với quý 3/2023. Nhưng theo VNDirect, số liệu thực tế có vẻ tốt hơn so với thống kê.
Sự suy giảm chủ yếu tới từ doanh thu và lợi nhuận của Vinhomes (VHM), lần lượt là 72% và gần 91% cùng kỳ, bởi yếu tố nền cao của năm trước. Lãi ròng 2023 của doanh nghiệp đầu ngành vẫn tăng trưởng khoảng 15%. Nếu loại Vinhomes ra khỏi rổ thống kê, lãi ròng ngành bất động sản của nhóm doanh nghiệp niêm yết tăng gần 132% cùng kỳ.
Điện và bán lẻ vẫn chịu áp lực tiêu cực. Lợi nhuận ngành điện giảm gần 33% do sản lượng thấp từ các nhà máy thủy điện bởi hiện tượng El Nino, còn điện than không đạt hiệu suất cao khi xảy ra sự cố tại nhiều tổ máy. Doanh nghiệp bán lẻ cũng ghi nhận mức giảm mạnh, do cạnh tranh giá gay gắt giữa các công ty lớn vẫn hiện hữu. Tuy vậy, nhờ nhu cầu có dấu hiệu hồi phục, lợi nhuận ngành này tăng trưởng gần 43% so với quý 3/2023.
Ngoài ra, chi phí lãi vay hạ nhiệt cũng là một điểm đáng lưu ý trong quý cuối năm 2022. Theo VNDirect, Nhờ những lần cắt giảm lãi suất chính sách của NHNN kể từ tháng 3 và lãi suất huy động liên tục được các NHTM điều chỉnh giảm xuống mức thấp hơn giai đoạn trước Covid-19, đã dần thẩm thấu vào nền kinh tế góp phần đưa chi phí lãi vay hạ nhiệt khi quay đầu giảm 0,6 điểm % so với quý trước xuống 6,2%. CTCK này tiếp tục kỳ vọng chi phí lãi vay sẽ giảm trong các quý tới và thúc đẩy lợi nhuận toàn thị trường.
Đối với nhóm VN30
Tổng lợi nhuận ròng trong quý 4/2023 của VN30 tăng 11,6% so với cùng kỳ và tăng 3,0% so với quý trước. Có 17 doanh nghiệp ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận ròng, dẫn đầu là Becamex IDC (tăng 3.542%), SSI (tăng 120% svck), HDBank (tăng 93%) và Hòa Phát (đạt 2.972 tỷ LN ròng trong khi cùng kỳ ghi nhận lỗ 1.991 tỷ).
Ngược lại, lợi nhuận quý 4/2023 của Masan Group (MSN) và Thế giới Di động (MWG) giảm lần lượt 89% và 85% do triển vọng chung của ngành Bán lẻ chưa thể quay lại mức nền cũ và chiến lược cải cách hoạt động kinh doanh mới đang ở những bước đầu. Tuy nhiên khi so sánh với quý 3/2023, lợi nhuận ròng của MWG tăng trưởng 133% cho thấy dấu hiệu nhu cầu tiêu dùng dần hồi phục.
Đáng chú ý, lợi nhuận ròng của Vingroup và Vinhomes giảm lần lượt 110% và 91% svck do các căn bàn giao tại dự án Ocean Park 2 và 3 dưới hợp đồng BCC có biên lợi nhuận thấp hơn so với bán buôn và bán lẻ. Ngoài ra các công ty này còn điều chỉnh chi phí 1 lần khi quyết toán dự án.
Trọng Hiếu