Mới đây, CTCP VinFast vừa công bố thông tin đã phát hành lô trái phiếu VIFCB2325003 với tổng trị giá 2.000 tỷ đồng vào ngày 31/7. Lô trái phiếu này có kỳ hạn 20 tháng, đáo hạn vào ngày 31/3/2025. Mức lãi suất được công bố là 14,5%/năm, định kỳ trả lãi 3 tháng một lần. Đối tượng mua là cá nhân và tổ chức đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Trước đó, hãng xe điện này cũng đã công bố phát hành hai lô trái phiếu là VIFCB2325002 và VIFCB2325001với tổng giá trị 3.000 tỷ đồng vào ngày 31/7. Như vậy trong một ngày doanh nghiệp này đã huy động tổng cộng 5.000 tỷ đồng cho lô trái phiếu.
Theo thông tin từ HNX, tại thời điểm 30/6 vốn chủ sở hữu của VinFast đạt 15.560 tỷ đồng. Hệ số nợ/vốn chủ sở hữu ở mức 9,85 lần, tương đương tổng nợ phải trả là 153.266 tỷ đồng (khoảng 6,4 tỷ USD). Trong đó, dư nợ trái phiếu là 14.000 tỷ đồng.
Ngoài việc phát hành trái phiếu, VinFast còn nhận được khoản tài trợ 2,5 tỷ USD từ tập đoàn Vingroup và tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Cụ thể, khoản tiền này sẽ được giải ngân trong một năm tới, trong đó ông Phạm Nhật Vượng tặng 1 tỷ USD. Còn Vingroup tài trợ không hoàn lại 500 triệu USD, đồng thời cho VinFast vay một tỷ USD thời hạn tối đa 5 năm. Với khoản tài trợ này, công ty có thể hoạt động bình thường trong ít nhất 2 năm nữa và có thể đạt mục tiêu hòa vốn theo chia sẻ của ông Phạm Nhật Vượng.
Vào ngày 15/8 vừa qua, hãng xe điện này đã niêm yết thành công tại Mỹ trên sàn Nasdaq. Đã có lúc vốn hóa của công ty đạt mức 190 tỷ USD trong nửa tháng qua, xếp thứ 3 trong các công ty sản xuất ô tô lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây cổ phiếu VFS đã có dấu hiệu giảm nhiệt. Thị giá mã VFS khi kết thúc phiên 6/9 đạt 24,5 USD/cp, giảm 72,7% từ đỉnh và đánh dấu phiên giảm thứ 6 liên tiếp. Vốn hóa thị trường còn 56,5 tỷ USD, xếp thứ 8 ngành ô tô.
Trọng Hiếu
Nhịp sống thị trường