Tập đoàn Dongwha Pharm (Hàn Quốc) vừa thông báo đã ký hợp đồng mua 51% cổ phần của Trung Sơn Pharma, một công ty đang điều hành chuỗi nhà thuốc ở Việt Nam, theo Business Korea.
Dongwha Pharm thành lập vào năm 1970, được biết đến là một công ty dược phẩm hàng đầu của Hàn Quốc. Công ty chuyên sản xuất và phân phối các loại thuốc và dược phẩm bao gồm thuốc điều trị hệ tiêu hóa, thuốc kháng sinh, thuốc điều trị bệnh tim mạch và chuyển hóa, thuốc chống viêm không steroid, thuốc chữa bệnh hô hấp, thuốc giãn cơ, thuốc chữa bệnh hệ thần kinh, thuốc chữa bệnh da liễu và thuốc chữa bệnh tiết niệu.
Trong hồ sơ gửi lên Sở Giao dịch chứng khoán Hàn Quốc, Dongwha Pharm cho biết đã chi gần 30 triệu USD để mua lại 51% cổ phần Trung Sơn Pharma, tương đương hơn 12,15 triệu cổ phiếu. Dự kiến, thương vụ sẽ hoàn tất trong tháng 10 năm nay.
Đây là bước đi giúp Dongwha Pharm thâm nhập thị trường Việt Nam với các loại thuốc không kê đơn. Công ty cũng có kế hoạch bán các sản phẩm mỹ phẩm, và thực phẩm chức năng tốt cho sức khoẻ. Theo kế hoạch, Dongwha Pharm sẽ mở rộng mạng lưới lên 460 cửa hàng vào năm 2026.
Về phía Trung Sơn Pharma của Việt Nam, dù không quá nổi trội nhưng chuỗi nhà thuốc có thâm niên khi được thành lập vào năm 1997. Đến nay, Trung Sơn Pharma đang quản lý hơn 140 chuỗi cửa hàng dược phẩm ở miền Nam Việt Nam và báo cáo doanh thu khoảng 568 triệu USD vào năm ngoái, với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm là 46% kể từ năm 2019.
Công ty cung cấp nhiều loại thuốc các sản phẩm bao gồm thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn, thực phẩm bổ sung sức khỏe, mỹ phẩm, thiết bị y tế và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp (H&B). Thông qua hợp tác với Dongwha Pharm, Trung Sơn Pharma kỳ vọng có thêm động lực tăng trưởng mới, tăng cường hơn nữa sự hiện diện bán lẻ của họ lên 460 cửa hàng vào năm 2026.
Trước Dongwha Pharm, SK Group - Tập đoàn lớn thứ hai Hàn Quốc – đã rót mạnh vốn vào 2 công ty dược Việt Nam. Báo cáo cập nhật sở hữu tính đến cuối tháng 7/2022 cho thấy SK Group đang là cổ đông ngoại lớn nhất sở hữu 14,5% cổ phần của Maroon Bells - công ty mẹ đang sở hữu Pharmacity. Tập đoàn này cũng đang nắm quyền kiểm soát một công ty sản xuất thuốc lớn là Imexpharm (IMP) khi nâng sở hữu lên gần 54%. Điều này cho thấy SK đang rất quan tâm đến lĩnh vực này.
Thực tế, dược phẩm Việt Nam là sân chơi thu hút đối tác ngoại hơn thập kỷ nay. Điểm lại, các “tay chơi” ngoại hơn thập kỷ qua đã không tiết tiền thực hiện loạt thương vụ M&A tại Việt Nam. Đến nay, đa phần các doanh sản xuất dược hàng đầu của Việt Nam như Dược Hậu Giang (DHG), Domesco (DMC), Traphaco (TRA), Imexpharm (IMP), Dược Hà Tây (DHT), Pymepharco (PME)… đều đang có cổ đông chiến lược nước ngoài. Một số đã tiến đến nắm quyền chi phối trên 51%, thậm chí thâu tóm toàn bộ.
Về tiềm năng thị trường, theo hãng nghiên cứu thị trường BMI ngành bán lẻ dược phẩm Việt Nam có tính phân mảnh rất cao, với hơn 50.000 nhà thuốc hầu hết là cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ. Dự báo doanh số thị trường này sẽ tăng từ 7,7 tỷ USD năm 2021 lên 16,1 tỷ USD vào năm 2026.
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thị trường chăm sóc sức khỏe của Việt Nam năm 2022 đạt hơn 20 tỷ USD, chiếm 6% GDP, dự báo tăng đến 23,3 tỷ USD vào năm 2025 và 33,8 tỷ USD năm 2030. Riêng về thị trường dược phẩm, Việt Nam đang trên đà tăng trưởng với tổng giá trị từ 3,4 tỷ USD năm 2015 lên đến gần 7 tỷ USD năm 2022. Dự báo đến năm 2030, tổng giá trị thị trường thuốc của Việt Nam sẽ lên đến trên 13 tỷ USD, tiền thuốc bình quân đầu người năm 2022 đạt khoảng 75 USD.
Theo Tri Túc
Nhịp sống thị trường