Nếu năm 2017, hầu hết công ty chứng khoán (CTCK) phấn khởi với nguồn thu lớn từ tự doanh thì đến quý 2/2018, mảng này trở thành "tội đồ" khi tiêu tốn sạch bao cố gắng đẩy mạnh doanh thu môi giới cũng như cho vay ký quỹ (margin). Như vậy, đúng một thập kỷ từ thời mảng tự doanh khiến doanh nghiệp trong ngành lỗ nặng dẫn đến việc phải hạn chế, bỏ hẳn hoặc chuyển đổi sang hình thức khác?!
Nhớ lại cuối năm ngoái, nhà nhà thu lợi tự doanh, người người kỳ vọng tự doanh, mảng đầu tư tài chính theo đó quay trở lại trên BCTC các CTCK sau nhiều năm kìm nén. Song, với nhiều ý kiến trái chiều cùng sự phụ thuộc vào tình hình thị trường chung, tự doanh vẫn để lại nỗi lo khi dự báo thị trường tiếp tục tăng tốt, thậm chí có nhận định lên đến 2.000 điểm vào cuối năm, CTCK đề xuất mức chỉ tiêu kinh doanh tăng trưởng mạnh mẽ với trọng tâm tại mảng tự doanh, bên cạnh nguồn chủ lực là môi giới hay margin. Đến quý 1/2018, mặc dù có nhiều biến động, song mảng tự doanh vẫn mang lại lãi lớn, điển hình giúp Chứng khoán HSC (HCM) tăng lãi 250% hay Chứng khoán SSI (SSI) cũng khả quan với con số 46%.
Song, chỉ trong vòng 3 tháng sau đó nỗi lo đã thành hiện thực, biến động mạnh từ chỉ số VN-Index gần như phản ánh rõ rệt trên BCTC các CTCK thông qua khoản chênh lệch giá trị đánh giá đi cùng những khoản dự phòng ghi nhận tăng mạnh. Lũy kế nửa đầu năm, mảng tự doanh từ "người hùng" đã trở thành kẻ "phá đám" lợi nhuận của CTCK!
Mảng tự doanh giảm sốc, tính bằng lần so với cùng kỳ
Theo thống kê, hầu hết các CTCK đều ghi nhận mảnh tự doanh giảm mạnh, thậm chí "ông lớn" SSI thua lỗ đến 93 tỷ đồng tự doanh. Danh mục đầu tư cổ phiếu của SSI nhìn chung đều là những mã dần đầu ngành như HPG – ngành thép, PLX – xăng dầu, FPT – công nghệ… song vẫn không tránh khỏi tình trạng dự phòng giảm giá.
Chi tiết tại SSI, nửa đầu năm giá trị khoản đầu tư tại mã Dabaco (DBC) giảm từ 254 tỷ về mức 191 tỷ đồng, hay mã TMS tại danh mục AFS cũng giảm mạnh chỉ còn 176 tỷ (cùng kỳ hơn 211 tỷ đồng)…
Kết quả là, công ty mẹ Chứng khoán SSI mặc dù ghi nhận doanh thu hoạt động tăng 28%, nhưng tài sản FVTPL với khoản lỗ gần 93 tỷ đồng lãi ròng chỉ đạt 320,2 tỷ đồng, giảm 6% so với quý 2/2017. Lũy kế 6 tháng đầu năm, SSI ghi nhận tổng doanh thu 2.105,4 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 872 tỷ đồng, tăng lần lượt 60,3% và 19,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Một đầu đàn khác, Chứng khoán VNDirect (VND) công bố báo cáo tài chính quý 2/2018 với doanh thu hoạt động 406,49 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, việc kết quả tự doanh sụt giảm bên cạnh vấn đề thị trường không thuận còn bởi VND loại trừ khoản cổ tức từ công ty liên kết khi hợp nhất là 21,2 tỷ đồng. Chi phí hoạt động kinh doanh trong kỳ theo đó tăng mạnh 82% lên 163,53 tỷ, riêng lỗ tự doanh là 107 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các chi phí phát sinh, VND báo lãi 91,23 tỷ đồng – giảm 21% so với quý 2/2017. Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận ròng VnDirect đạt 229,95 tỷ, danh mục tự doanh cổ phiếu của VND có giá trị gốc 799 tỷ đồng và công ty đã trích lập dự phòng 156 tỷ đồng cho các khoản đầu tư này.
Theo ghi nhận, dự phòng của VND chiếm tỷ trọng lớn tại các mã như: LTG (37 tỷ), PHR (6,1 tỷ), POW (7,8 tỷ), OIL (7,6 tỷ), BSR (7,3 tỷ)… với danh mục đa số tại ngành dầu khí, sự sụt giảm giá trị là điều dễ hiểu trước rủi ro biến động giá dầu thế giới, cổ phiếu trong ngành theo đó từ đầu năm đến nay hầu hết đề sụt giảm.
Hay Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) cũng trình nguyên nhân "Trong quý 2, TTCK Việt Nam đã sụt giảm mạnh cả về điểm số cũng như thanh khoản đã khiến SHS chịu những tác động từ thị trường chung" cho kết quả kém sắc của mình. Cụ thể, Chứng khoán SHS ghi nhận doanh thu quý 2/2018 đạt 289,4 tỷ đồng tăng 5,8 tỷ đồng tương ứng tăng 2% so với cùng kỳ. Chi phí hoạt động là 203,8 tỷ đồng tăng 91,2 tỷ đồng tương ứng 81% so với cùng kỳ, trong đó chủ yếu là chi phí dự phòng tài sản tài chính với 47 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái là âm 27 tỷ đồng, dẫn đến lợi nhuận quý 2 chỉ đạt 39,5 tỷ đồng sau thuế.
Không chỉ những đơn vị lớn, các CTCK nhỏ thậm chí còn chịu thiệt hại nặng nề hơn khi tỷ trọng thị trường không đủ, điển hình Chứng khoán ACB (ACBS) - mọi nỗ lực tăng doanh thu môi giới Công ty lại phải bù đắp vào khoản chi phí đột biến 829% lên mức 109 tỷ đồng của Công ty. Được biết, chi phí tăng mạnh chủ yếu do Công ty ghi nhận lỗ từ tài sản tài chính thông qua lãi/lỗ tới 60 tỷ đồng, chi phí môi giới cũng tăng mạnh 46% so với cùng kỳ, ở mức 36.6 tỷ đồng.
Kết quả là, ACBS ghi lỗ ròng hơn 17 tỷ đồng trong quý 2/2018, trong khi cùng kỳ năm trước lãi ròng gần 53 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, ACBS ghi nhận doanh thu hoạt động và lãi ròng lần lượt là 314 tỷ đồng và 49 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm trước, Công ty ghi nhận doanh thu tăng trưởng 72%, tuy nhiên lợi nhuận sụt giảm tới 39%.
Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cũng chị khoản lỗ từ tài sản tài chính FVTPL tăng tới 432% so với cùng kỳ, từ mức 6 tỷ đồng lên 32 tỷ đồng. Kết quả là, BVSC ghi lãi sau thuế 26,5 tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ năm trước. Theo giải trình của Công ty, nguyên nhân giảm chủ yếu do chênh lệch đánh giá lại các tài sản tài chính FVTPL.
Các đơn vị còn lại như VCBS, FPTS, MBKE… hầu như cũng chịu cảnh tự doanh rệu rã cùng rủi ro thị trường.
Nửa chặng đường còn lại sẽ như thế nào?
Điểm lại, TTCK tháng 6 và đầu tháng 7 tiếp tục nối dài xu hướng giảm tạo ra chuỗi giảm mạnh nhất trong nhiều năm. Sau khi chạm ngưỡng hỗ trợ mạnh 920-930 và phục hồi nhẹ vào đầu tháng 6, chỉ số VN-Index tiếp tục giảm sâu phá vỡ ngưỡng 900 điểm, về mức thấp nhất là 893.16 điểm vào phiên ngày 11/7, giảm gần 26% so với mức đỉnh 1.204 và giảm hơn 9% so với cuối năm 2017.
Cùng với đó, khối lượng giao dịch không được cải thiện, kết hợp với tâm lý của nhà đầu tư bị tác động tiêu cực bởi các sự kiện trên thị trường quốc tế như FED tăng lãi suất, căng thẳng thương mại giữa Hoa Kỳ và các đối tác leo thang khiến cho chỉ số thị trường chưa thể thoát khỏi xu hướng giảm.
Thống kê TTCK thời gian qua.
Trước bối cảnh căng thẳng Trung – Mỹ ngày càng lên cao, TTCK toàn cầu nói chung và tại Việt Nam nói riêng vẫn trong thế khó đoán. Mặc dù có niềm tin chỉ số VN-Index có thể quay lại mốc 1.000 điểm đến cuối tháng 7, hay trở lại ngưỡng 1.200 đến cuối năm, song còn đó nhiều hoài nghi. Bằng chứng là dòng tiền đến nay gần như vẫn đứng bên ngoài, mảng tự doanh của CTCK cả năm 2018 vẫn còn là dự báo bỏ ngỏ!
Nhớ lại, từng có nhiều ý kiến cho rằng với tự doanh, dẫu trong lúc thị trường giảm, CTCK vẫn sẽ không ảnh hưởng khi ở thế hai đầu, một bên khuyến nghị nhà đầu tư mua vào một bên bán ra kiếm lãi. Nhưng, với bức tranh quý 2 như đã đề cập, liệu rằng CTCK đến nay cũng không thể chủ động được danh mục của mình trước biến động khó lường của động thái thế giới, kinh tế vĩ mô…?
Tri Túc